Phát triển cây dược liệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP
Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển mô hình trồng cây dược liệu trà hoa vàng nhằm nâng cao đời sống nhân dân
Bài liên quan
Tập trung phát triển Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Nặm Đăm
Bài 2: Khai thác tiềm năng từ vườn dược liệu hữu cơ
Bài 1: Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất rau thủy canh
Hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi
Đưa hoa vàng thành sản phẩm OCOP
Quảng Ninh là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng và phát triển cây dược liệu, đặc biệt là giống trà hoa vàng. Nhằm khai thác thế mạnh từ loài cây dược liệu quý này, năm 2015, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng.
Giai đoạn 2015-2017, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia vào các dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung. Nhờ đó đến nay, Ba Chẽ trở thành địa phương có diện tích trồng cây dược liệu trà hoa vàng lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với hơn 146ha, tập trung nhiều ở các xã: Thanh Sơn, Đồn Đạc và Đạp Thanh. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch trà hoa vàng đạt trên 50ha, lá trà trên 60ha.
Tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, những năm gần đây bà con người Sán Chỉ rất phấn khởi khi giá của trà hoa vàng ngày một cao. Trước đây, cây trà hoa vàng cũng giống như những loại cây mọc tự nhiên khác, không phải là hàng hóa. Kể từ năm 2006, bà con bắt đầu trồng trà hoa vàng. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn khá ít người trồng vì giá trị thấp. Cho tới năm 2009, loại cây này mới chính thức phát triển.
Gia đình anh Nịnh Văn Trắng, dân tộc Sán Chỉ, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ là một điển hình đi đầu bảo tồn và khai thác hiệu quả trà hoa vàng. Năm 2006, phát hiện cây trà quý này đem lại giá trị kinh tế cao, anh Trắng vừa thu mua trà hoa vàng từ tự nhiên, vừa tìm cây giống để ươm trồng. Sau 4 năm, đất không phụ công người, lứa trà trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh khoản thu nhập không nhỏ.
Để mở rộng sản xuất, anh Thắng đã thành lập Công ty Cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, do anh làm chủ. Đến nay, Công ty đã trồng được trên 3ha trà hoa vàng với hơn 1 vạn gốc. Ngoài trồng, sản xuất giống trà hoa vàng, Công ty còn đứng ra thu mua, bao tiêu toàn bộ trà hoa vàng cho người dân trên địa bàn, để chế biến sản xuất ra ba sản phẩm OCOP trà túi lọc, hoa khô và lá. Nhờ trồng và kinh doanh trà hoa vàng, mỗi năm gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng.
Cũng giống như anh Trắng, gia đình ông Đàm Văn Cường, dân tộc Sán Chỉ, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn đã mạnh dạn đầu tư trồng 3ha trà hoa vàng. Đến nay, vườn cây trà sinh trưởng, phát triển tốt, hằng năm cho sản lượng trên 60kg trà khô, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang tập trung nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu trà hoa vàng |
Theo những người dân trồng cây dược liệu trà hoa vàng tại xã Thanh Sơn, điểm quan trọng với cây trà hoa vàng là phải được sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên nhất, để bảo đảm điều kiện ánh sáng, đất, nước giống hệt như trong rừng. Có như vậy trà hoa vàng mới khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và cho năng suất thu hoạch cao. Trà hoa vàng trồng 3 năm thì thu hoạch dược, 1 cây có thể cho 1kg hoa tươi/vụ, 1ha trà cho khoảng 250kg hoa tươi.
Hiện xã Đạp Thanh có trên 40 hộ trồng cây trà hoa vàng với tổng diện tích 17ha. Sản phẩm này đã được Đạp Thanh đăng ký xây dựng là sản phẩm OCOP của xã (trong chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013. Đến nay, Chương trình này đã khẳng định được hiệu quả và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Trong tổng số 362 sản phẩm OCOP của tỉnh, có 11 sản phẩm đạt 4-5 sao, trong số đó có sản phẩm trà hoa vàng của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ.
Cùng với việc đẩy mạnh trồng trà, khâu xây dựng thương hiệu cũng được huyện Ba Chẽ chú trọng. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ người dân thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì cho các sản phẩm từ trà hoa vàng…
Huyện cũng đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nên trà hoa vàng đã được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (sản phẩm đạt 70-89 điểm ở các hạng mục: Chất lượng sản phẩm, sức mạnh cộng đồng và tiếp thị), có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, là sản phẩm có doanh thu cao tại các hội chợ.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Điều hành OCOP huyện Ba Chẽ cho biết: Thời gian tới, huyện đẩy mạnh phát triển cây trà hoa vàng, đồng thời, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm từ trà hoa vàng, mở rộng diện tích trồng trên toàn huyện lên 500ha, phấn đấu đưa Ba Chẽ trở thành một trong ba vùng dược liệu quý theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh.
Có thể nói, hơn 7 năm xây dựng thương hiệu (2013-2019), đến nay trà hoa vàng đã có chỗ đứng trong thị trường, trở thành sản phẩm OCOP chủ lực trong phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Như vậy, có thể khẳng định việc đưa cây trà hoa vàng vào sản xuất trồng đại trà là hướng đi phù hợp, vừa bảo vệ được nguồn dược liệu quý, vừa tạo nguồn và nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương góp phần xóa đói giảm nghèo trên quê hương Ba Chẽ
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trà hoa vàng có tác dụng nâng cao sức khoẻ, dưỡng sinh, trẻ hoá, kiềm chế sự sinh trưởng các khối u lên đến 33,8%, trong khi chỉ cần đạt mức 30% là đã có thể thành công điều trị ung thư. Ngoài ra còn có tác dụng giảm thiểu xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hoà huyết áp, hạ đường huyết...
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương