Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: Thừa Thiên - Huế ) |
Chiều 1/11, Đại học Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tổ chức Hội thảo “Đại học Huế - 30 năm tái lập và phát triển thành Đại học Quốc gia (1994 - 2024)”.
Theo ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, Đại học Huế đã huy động được nguồn lực tài chính tương đối lớn đáp ứng nhu cầu cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển hệ thống cơ sở vật chất khang trang và hiện đại góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của cán bộ và sinh viên trong thời gian quan.
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt, trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.
Trong năm 2024 này, Đại học Huế có 153 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 58 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.
Ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế (Ảnh: Thừa Thiên - Huế) |
Giám đốc Đại học Huế cho biết từ năm 2014 đến nay, Đại học Huế đã thực hiện nhiều đề tài nhằm phục vụ cho yêu cầu đổi mới giáo dục; nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Hiện nay, Đại học Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới. Với xếp hạng QS Asia, Đại học Huế liên tục có mặt trong top các trường đại học châu Á, trong đó top 351 vào năm 2023, 2024.
Theo ông Lê Anh Phương, Đại học Huế vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên trình độ cao
Đồng thời, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo quy định tại Nghị định 125 năm 2024 của Chính phủ.
Đại học Huế đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo quy định tại Nghị định 125 năm 2024 của Chính phủ (Ảnh: Thừa Thiên - Huế) |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế rất tự hào, quý trọng và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của Đại học Huế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với Đại học Huế để xây dựng và triển khai các Kế hoạch, giải pháp cụ thể. Đồng thời xây dựng các Kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Tỉnh uỷ và các nội dung liên quan đến Đề án xây dựng Đại học Huế thành Đại học quốc gia.
Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30 năm 1994 của Chính phủ. Đại học Huế là 1 trong 3 Đại học vùng trong cả nước. Đại học Huế hiện có 3.647 viên chức và lao động, với 214 giáo sư, phó giáo sư, 807 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài. Đến nay, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ. Riêng từ năm 2018 - 2024, Đại học Huế đã đào tạo 45.227 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ; hơn 200 tiến sĩ; và gần 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II. |