Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp xanh
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã thăm mô hình cấy máy ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm phát thải. Đây là mô hình lần đầu được ngành Nông nghiệp triển khai trên quy mô 50ha tại xã Liên Mạc (huyện Mê Linh).
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Hằng: Phương thức canh tác SRI đã được ngành Nông nghiệp triển khai nhiều năm qua. Diện tích canh tác ứng dụng SRI toàn thành phố hiện đạt khoảng 70%.
Vụ xuân 2025 là năm đầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh triển khai đưa máy cấy vào sản xuất lúa SRI, theo hướng hữu cơ, phát thải thấp. Qua đánh giá, mô hình giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện tại, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn cho một vụ mùa giá trị cao.
![]() |
Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thăm mô hình cánh đồng sạch tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. (Ảnh: Ngọc Quỳnh) |
Tại xã Tự Lập (huyện Mê Linh), Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã thăm vườn hoa ly của Công ty Flower Fansipan. Với quy mô 20ha, đây là một trong những mô hình trồng hoa ly ứng dụng công nghệ cao lớn nhất trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện Công ty Flower Fansipan thông tin, mô hình đang áp dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và kho lạnh bảo quản. Bình quân mỗi sào, doanh nghiệp thu được khoảng 5.000 cây hoa ly cung ứng cho thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng đến thăm cánh đồng sạch, canh tác lúa theo phương thức mạ khay, máy cấy tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh). Đây là địa phương có tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, gieo cấy lúa thuộc nhóm cao nhất Hà Nội (chiếm khoảng 90% diện tích).
Việc áp dụng mạ khay máy cấy vào canh tác lúa mang lại nhiều lợi ích. Không chỉ giúp nông dân tiết giảm sức lao động và chi phí sản xuất, mà còn mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho lúa gạo.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Năm 2025, thành phố phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8%, trong đó ngành Nông nghiệp được giao chỉ tiêu tăng trưởng 3,1%.
Ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhóm các giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng lĩnh vực, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 3,5% trong năm 2025…
Riêng đối với lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nhằm nâng cao giá trị đất trồng lúa. Nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao hơn 15 - 20%.
![]() |
Mô hình trồng hoa ly ứng dụng công nghệ cao tại xã Tự Lập (huyện Mê Linh) |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố về quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi phương thức trồng trọt...
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh cho thấy, toàn huyện hiện có hơn 8.200ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 57% diện tích. Để phát triển sản xuất quy mô lớn, huyện đã quy hoạch 13 vùng trồng trọt chuyên canh quy mô từ 20ha trở lên, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cốm tại các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập; vùng cây ăn quả tại các xã: Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thắng. Vùng trồng hoa hồng chất lượng cao tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh; vùng trồng rau an toàn các loại tại các xã: Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê…
Từ các quy hoạch này, trong những năm qua, Mê Linh đã xây dựng được 75 sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng, thế mạnh từng vùng, như: Các loại rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao; hoa lan Hồ điệp của Mê Linh F-Farm (xã Đại Thịnh); hoa hồng bon sai của hộ kinh doanh nhà vườn Tài Lý (xã Mê Linh); hoa cúc Đại Bái của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Bái (xã Đại Thịnh); ổi, đu đủ, táo của Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh)…
Để tiếp tục phát huy thế mạnh từng địa phương về sản xuất nông nghiệp, trong kế hoạch sản xuất năm 2025, Mê Linh khuyến khích các xã, thị trấn chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; chú trọng phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: Giống lúa chất lượng cao; giống rau, hoa, khoai tây, cây ăn quả, thủy sản, phù hợp điều kiện đất đai từng địa phương.
Huyện cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi xa khu dân cư, hình thành trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường, tạo tiền đề đến năm 2025 huyện Mê Linh xây dựng được 122 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, góp phần để Mê Linh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp xanh, đạt giá trị cao, bền vững.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Yên Bái - điểm sáng về xây dựng Nông thôn mới

Đẩy mạnh liên kết xây dựng chuỗi sản xuất trà hoa vàng Nam Sơn

Hà Nội nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn

Nông thôn Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

"Chìa khóa" chiến thắng "giặc nghèo", xây “giấc mơ” an cư

Bình Định: Cấm biển đối với tàu cá "3 không"

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành dự án đập dâng Phú Phong

Thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số nông nghiệp và môi trường
