Phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với xây dựng nông thôn mới
Khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Hà Nội có khoảng 2.538 HTX, trong đó 1.483 HTX nông nghiệp, 322 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 328 HTX thương mại - dịch vụ. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 2,5 tỷ đồng, với lãi bình quân 150 triệu đồng. Tổng số thành viên HTX và liên hiệp HTX lên tới 609.400 người.
Hoạt động của các tổ hợp tác, HTX đã giúp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) thu hoạch rau củ. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Xác định chủ thể của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là người dân mà trực tiếp là nông dân các vùng nông thôn, nhiều địa phương của thành phố Hà Nội đã tập trung phát triển kinh tế nông hộ, kinh tế tập thể để nâng cao nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cùng với việc phát triển các hợp tác xã, việc phát triển các làng nghề truyền thống cũng được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Đây cũng là một lực lượng quan trọng trong việc tạo ra nguồn lực trong xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô. Hiện nay, theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước. Toàn thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 188 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu đề ra. Thành phố cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu, lấy kinh tế tập thể làm nòng cốt và nguồn lực quan trọng để phát triển.
Nền tảng vững chắc để xây dựng Nông thôn mới
Những năm qua, thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thạch Thất đã ban hành Chương trình số 03-CTr/HU về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Trong thời gian qua, với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của gần 2.450 công ty và doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thạch Thất đã không ngừng vươn lên về cả số lượng và chất lượng.
Đồng chí Lê Minh Đức, Thành uỷ viên, Bí thư Huyện ủy chúc mừng các doanh nghiệp, HTX có thành tích tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh |
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết: Trong 9 tháng năm 2024, kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đăng ký mới tiếp tục tăng. Toàn huyện có 2.447 doanh nghiệp, 11.429 hộ kinh doanh (tăng 154 doanh nghiệp, tăng 2.789 hộ kinh doanh). Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 30.004 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, huyện tiếp tục huy động nguồn lực và giải ngân các nguồn vốn đầu tư các công trình thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động; tập trung đầu tư những công trình có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Trong đó, ưu tiên đối với 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và các xã còn lại đạt chuẩn Nông thôn mới 2021-2025.
Phấn đấu, đến năm 2025 sẽ có 11 xã hoàn thành xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, 5 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội. Duy trì tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.
Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất đã và đang triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 và xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại một số xã.
Trong kế hoạch, huyện Thạch Thất hướng tới mỗi xã, thị trấn có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn với việc triển khai sản phẩm du lịch cộng đồng, trong đó sẽ gắn với việc hình thành chuỗi sản phẩm OCOP đạt chuẩn để giới thiệu du khách. Mục tiêu giai đoạn 2025-2030, huyện phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.