Phát triển nông nghiệp hữu cơ phục vụ khai thác du lịch
Tìm hướng đi cho nông nghiệp hữu cơ
Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được các địa phương trong cả nước quan tâm và là hướng phát triển tất yếu trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngoài việc tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn còn góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, nhất là dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nông nghiệp hữu cơ dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp truyền thống với đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ để mang lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng. Nông nghiệp hữu cơ có 4 nguyên tắc cơ bản: Sức khỏe (của đất, cây trồng, gia súc, con người); Sinh thái (hệ tự nhiên mô phỏng và bền vững); Công bằng (bình đẳng, tôn trọng và công lý cho mọi sinh vật); Nguyên tắc quan tâm (vì các thế hệ tương lai).
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội)
Nông nghiệp hữu cơ có một số đặc điểm chính sau: Cung cấp chất dinh dưỡng một cách không trực tiếp, thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ bởi vi sinh vật hoặc từ các khoáng chất, phù sa các sông suối…Tự huy động đạm thông qua quá trình cố định bởi các cây bộ đậu hay tái sử dụng chất hữu cơ, phế phụ phẩm; Phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại chủ yếu thông qua các biện pháp đấu tranh sinh học, sử dụng thiên địch, thuốc BVTV sinh học và các giống cây trồng chống chịu; Bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của sinh vật. Như vậy có thể nói, để có sản phẩm hữu cơ đòi hỏi rất nhiều điều kiện, cả sản xuất và thị trường.
Tại Việt Nam nông nghiệp hữu cơ đã qua gần 10 năm phát triển nhưng tập trung chủ yếu trong những năm gần đây, theo số liệu thống kê của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thì đến cuối năm 2017 đã có 33/63 tỉnh, thành phố đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70 nghìn ha (gấp 3,6 lần so với năm 2010). Có nhiều hình thức đầu tư với quy mô khác nhau như: từ hộ, nhóm hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn…. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn khá mới đối với người tiêu dùng, còn hạn chế về quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ, chưa có quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm, ý thức của các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa thật tốt để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, được người tiêu dùng tin tưởng.
Nhiều khó khăn, thách thức
Nói về tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: Nông nghiệp hữu cơlà một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người, vì vậy tiềm năng về thị trường rất rộng lớn, nhất là tại các địa phương có tiềm năng về du lịch như các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Việc tạo ra sản phẩm hữu cơ với sự phát triển đồng bộ, hiệu quả sẽ là một trong những điểm tham quan du lịch để khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng về du lịch của khu vực, đồng thời hiệu quả từ hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Nông nghiệp hữu cơlà một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường
Tuy nhiên, bên cạnh những thuân lợi, tiềm năng thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể, sản xuất hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất khắt khe, những tiêu chuẩn ràng buộc, kỹ thuật và kiến thức trong việc cải tạo đất, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống,… nên chi phí sản xuất cao, do đó việc tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ và theo thói quan, tập quán canh tác cũng là một trong những rào cản hạn chế phát triển nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển sản xuất hữu cơ, nông dân cần trang bị những kiến thức cần thiết để sử dụng các thiên địch theo phương pháp sinh học để phòng chống bệnh sâu hại cho cây trồng và vật nuôi. Phần lớn nông dân vẫn chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do chưa thấy được sức hấp dẫn, lợi ích đạt được khi tham gia xây dựng nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất hữu cơ và thiếu sự quy hoạch để phát triển ổn định, bền vững. Đến nay, nước ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát quá trình sản xuất hữu cơ. Số lượng cơ sở sản xuất được chứng nhận còn hạn chế, kinh phí thực hiện chứng nhận tốn kém do phải thuê nước ngoài, chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ theo đúng giá trị và hiệu quả sản phẩm.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế, thách thức nhưng có thể thấy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất hữu cơ phải đảm bảo theo đúng quy trình. Cụ thể, các địa phương cần nghiên cứu điều kiện về thổ nhưỡng, lợi thế của từng vùng để xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.