Phát triển sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Sữa Phù Đổng”
HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng có hai sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là sữa tươi Phù Đổng thanh trùng không đường và sữa tươi Phù Đổng thanh trùng có đường
Bài liên quan
Rau mầm Thanh Hà: Sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Thường Tín
Đông Anh: Điểm sáng trong triển khai xây dựng Chương trình OCOP
Phát triển tiềm năng cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Hà Nội phấn đấu đưa OCOP trở thành thương hiệu có sức hút với người tiêu dùng
Phải thay đổi để OCOP là chương trình vì người dân
Bước ngoặt quan trọng
Bắt tay sản xuất các sản phẩm từ sữa bò vào tháng 8/2015, đến nay, thương hiệu “Sữa Phù Đổng” của HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã từng bước đặt dấu ấn trên thị trường.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề sản xuất, chế biến sữa bò, ông Khúc Văn Trọng, ở Xóm Gạo, thôn Phù Dực (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Nghề chăn nuôi bò sữa bắt đầu manh nha ở Phù Đồng từ năm 1992 nhưng phải đến năm 1999 mới có những bước phát triển đáng kể về quy mô và hiệu quả. Từ đó, Phù Đổng trở thành một trong những nơi thu mua sữa lớn ở khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa năm 2015, nghề chăn nuôi bò sữa ở Phù Đổng gặp cảnh lao đao khi một nhà máy sữa không thu, đẩy giá sữa xuống thấp khiến bà con nông dân phải đổ bỏ hàng nghìn lít vì không bán được. Giữa lúc bế tắc cùng cực tưởng chừng phải bỏ nghề đó, năm 2015, ông Trọng khi đó vẫn là một chủ hộ chăn nuôi bò sữa ở thôn Phù Dực (xã Phù Đổng) đã quyết định đứng ra thành lập HTX.
Những ngày đầu mới thành lập HTX, ông Trọng gặp vô vàn khó khăn, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ “ngủ ngoài đường”. “Để có nguồn vốn gần 5 tỷ đồng đầu tư cho các hạng mục của xưởng chế biến sữa, tôi phải thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay vốn ngân hàng và huy động từ các thành viên HTX khác”, ông Trọng tâm sự.
Không chỉ thiếu vốn, ông Trọng thấy mình không có kinh nghiệm sản xuất nên đã quyết định “khăn gói” đi thăm các mô hình sản xuất sữa tại những vùng chăn nuôi bò sữa như Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… để học tập kinh nghiệm sản xuất thực tiễn.
Trở về Phù Đổng, ông quyết định phát triển thương hiệu theo hướng bền vững, không phát triển về số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Sản phẩm sử dụng 100% nguyên liệu từ đàn bò tại địa phương và thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín. Sau đó, sữa được thanh trùng, làm lạnh nhằm tiêu diệt các vi sinh vật; cuối cùng là chiết, rót, dán nhãn và bảo quản với nhiệt độ theo quy định.
Để có được nguồn nguyên liệu ổn định vận hành hệ thống sản xuất, ông Trọng đã ký hợp đồng với khoảng 40 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Phù Đổng. Ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Phù Dực là một trong 40 hộ chuyên cung cấp sữa nguyên liệu cho HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng cho biết: Trung bình mỗi ngày gia đình ông cung cấp cho HTX khoảng 60 lít sữa. Việc liên kết cung ứng, thu mua không chỉ giúp HTX có được nguồn sữa nguyên liệu bảo đảm chất lượng và ổn định, mà còn giúp ông Lợi cùng hàng chục nông hộ khác không còn phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm sữa.
Ngoài việc đứng ra thu mua sữa cho các hộ dân, HTX đã sử dụng nguồn đất đai của các hộ thành viên để tổ chức chăn nuôi bò nhằm giảm chi phí mua ngoài. Tất cả các khâu thu mua, vận chuyển, chế biến đều được kiểm tra nhiều lần. HTX cũng đầu tư máy vắt sữa bò, hệ thống bồn lạnh chứa sữa, xe vận chuyển sữa, nhằm bảo đảm chất lượng sữa được ổn định, giúp các hộ thành viên và nông dân có được giá sữa tốt.
“Để đạt chất lượng, bò phải nuôi theo đúng kỹ thuật, đầy đủ khẩu phần ăn, không mắc dịch bệnh. Chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và áp dụng đúng kỹ thuật vệ sinh trước và sau khi vắt sữa. HTX cũng áp dụng thang điểm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi đối với các hộ chăn nuôi thành viên; thực hiện kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ nhằm nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn trong chăn nuôi và khai thác sữa”, ông Trọng nhấn mạnh.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU thăm Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng hồi tháng 10/2019 |
Hiện, HTX cung cấp ra thị trường những sản phẩm được chế biến từ sữa bò như sữa thanh trùng, sữa chua có đường, sữa chua nếp cẩm. Trong đó, HTX còn có hai sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là: Sữa tươi Phù Đổng thanh trùng không đường và sữa tươi Phù Đổng thanh trùng có đường.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP “Sữa Phù Đổng”
Được sự hỗ trợ của UBND huyện Gia Lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu “Sữa Phù Đổng”. Hiện nay, HTX đã ký kết hợp tác tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa với hàng chục trường học trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên.
Bên cạnh đó, HTX cũng đưa sản phẩm của mình vào hầu hết các hệ thống siêu thị của Vinmart, Hapro, Saigon Co.op Mart… sản phẩm của HTX còn vươn tới hệ thống bán lẻ V+ của tỉnh Hòa Bình.
Nhờ quy trình liên kết sản xuất, tiêu thụ chuyên nghiệp với sự tham gia của người chăn nuôi và doanh nghiệp, doanh thu của HTX đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh tạo việc làm cho hàng chục lao động tại xưởng chế biến, HTX còn góp phần mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 40 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Phù Đổng.
Chia sẻ về sự thành công của HTX, ông Khúc Văn Trọng cho hay: "Thành công mà HTX có được đến từ sự hỗ trợ rất lớn của các Sở, ban, ngành và huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng là HTX rất quan tâm tới công tác cán bộ. Hiện trong tổng số 30 thành viên HTX, khoảng 80% đã được đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Điều này giúp quy trình sản xuất được vận hành hiệu quả, bảo đảm chất lượng các sản phẩm từ sữa chế biến. Nguồn nhân lực trẻ và có chất lượng chính là đòn bẩy quan trọng để HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng đứng vững, tiếp tục định vị mình trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
Cũng theo ông Trọng, hai sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là sữa tươi Phù Đổng thanh trùng không đường và sữa tươi Phù Đổng thanh trùng có đường có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của HTX. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố lân cận biết đến thương hiệu “Sữa Phù Đổng”.
Việc bảo đảm đầu ra cho người chăn nuôi bò sữa là điều kiện cần thiết để nông dân tái sản xuất. Để làm được điều này, HTX đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, mở rộng quy mô và liên kết với hàng chục hộ nuôi bò; đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo dây chuyền khép kín; qua đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, HTX cũng chú ý hoàn thiện khâu phân phối, phục vụ khách hàng để sản phẩm đến được nhiều người tiêu dùng hơn. Đặc biệt, HTX đã kết hợp với HTX Hiệp Thư chăn nuôi giun quế để giải quyết bài toán môi trường và tận dụng nguồn chất thải dồi dào tại địa phương. Hiện giun quế không chỉ làm thức ăn cho bò mà còn được HTX trộn với phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho diện tích cỏ nguyên liệu. Đây là quy trình khép kín vừa tận dụng được chất thải của bò lại giải quyết được bài toán môi trường trong chăn nuôi. Nhờ quy trình sản xuất khép kín hiện đại của HTX mà môi trường được đảm bảo, đường làng ngõ xóm trở nên sạch đẹp hơn.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội