Phát triển sản phẩm OCOP thành lợi thế để thu hút khách du lịch
Chè Shan hữu cơ Bản Liền là sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao duy nhất của tỉnh Lào Cai
Bài liên quan
Hà Nội công bố Quyết định công nhận 275 sản phẩm OCOP
Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc
Sản phẩm OCOP 4 sao được xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng
Sản phẩm OCOP gốm sứ Bát Tràng sẵn sàng “vươn mình” ra thế giới
Gạo hữu cơ Đồng Phú: Sản phẩm OCOP 4 sao hướng tới thị trường xuất khẩu
Phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Vốn là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu... Huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã coi đây là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch.
Một trong số những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến mỗi khi đến Bắc Hà chính là chè Bản Liền. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của địa phương tìm được chỗ đứng ở Mỹ và Châu Âu.
Chia sẻ câu chuyện về phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Bắc Hà, bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà tự hào kể: “Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30km, xã Bản Liền như là một thung lũng được bao bọc xung quanh bởi núi non trùng điệp nên có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc phong thủy hữu tình.
Đặc biệt thổ nhưỡng ở nơi đây rất thích hợp để trồng chè. Những người già nhất ở bản Liền cũng không nhớ nổi đồi chè cổ thụ có từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết cao quá đầu người, trải qua bao mùa mưa nắng vẫn hiên ngang, sừng sững giữa núi đồi, bền bỉ và kiên trì bám đất như chính sức sống của cộng đồng người Tày cư ngụ bao đời nơi đây”.
Bà Hoàng Thị Cảnh, thôn đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: Trước đây, người Tày ở bản này chưa biết quý cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió. Ngày đó, chè bán cũng được ít lắm, chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống. Tuy nhiên, bây giờ thì khác, nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và hợp tác xã. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè. Với đồng bào Tày ở đây, cây chè đã trở thành linh hồn của bản, đem lại no ấm cho người dân.
Nhận thấy cây chè có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên từ năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè.
Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay toàn xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền. Điểm đặc biệt của chè Bản Liền là người dân tham gia hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm. Chè được trồng hoàn toàn tự nhiên nên trung bình mỗi tháng người dân chỉ thu hái một lần. Lao động trong xưởng chế biến phải có giày dép và trang phục bảo hộ riêng.
Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền chia sẻ: "Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hợp tác xã cấp giấy chứng nhận cho 310 hộ tham gia sản xuất chè. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm. Nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi”.
Người dân xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP chè Bản Liền để thu hút khách du lịch |
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong khâu thu hoạch và chế biến nên sản phẩm chè Bản Liền đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu; Tiêu chuẩn Canada và Mỹ; Chứng nhận Fairtrade Certificate - Ban Lien Organic Tea Cooperative (Chè hữu cơ thương mại bình đẳng)...
Đây được xem như là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường Mỹ và Châu Âu. Có được những thành quả như vậy là nhờ vào sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Sản phẩm chè Shan hữu cơ Bản Liền cũng là sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao duy nhất của tỉnh Lào Cai.
Tạo sức bật cho du lịch phát triển
Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Sau đó, chế biến thành các sản phẩm: Hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở Châu Âu, Châu Mỹ…
Chia sẻ về lợi ích của việc trồng chè hữu cơ xuất khẩu, ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho hay: Nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt như hộ anh Vàng A Dự, thôn đội 4, mỗi năm thu hái khoảng 16 tấn chè búp tươi, thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ước tính, người dân trong xã thu khoảng 16 tỷ đồng từ bán chè búp tươi.
Nhờ có cây chè nên những năm qua, xã Bản Liền nói riêng và huyện Bắc Hà nói chung có nhiều tiềm năng để “đánh thức” và nâng cấp cây chè thành sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch.
Ngoài việc phát triển cây chè, trong thời gian tới, huyện Bắc Hà sẽ tập trung triển khai hiệu quả Dự án Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Na Lo, xã Tà Chải. Đây là một trong 10 thôn điểm của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai trong Chương trình OCOP.
Đồng thời, Bắc Hà sẽ đầu tư hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (vùng cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao...), xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch làng bản kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực là người địa phương về kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp tham gia liên kết các tour du lịch. Việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.
Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Giai đoạn từ nay đến 2030, huyện định hướng hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP; Phát triển mới 22 sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, Bắc Hà cũng xác định các sản phẩm không chỉ sản xuất ở một xã, một doanh nghiệp mà phải nhân rộng, tạo sản phẩm đa dạng, khối lượng lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương