Phổ biến giáo dục pháp luật giúp học sinh phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục
Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường Nhiều phụ huynh vẫn thiếu quan tâm đến con em mình |
Bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng
Theo Trung tá Phùng Tuấn Anh – Đội trưởng Đội tổng hợp, Công an huyện Gia Lâm cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ việc liên quan đến việc đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội facebook; mâu thuẫn, đánh nhau gây thương tích; vi phạm khi tham gia giao thông và học sinh bị xâm hại tình dục (bị người lạ lừa, hiếp dâm).
Qua các vụ việc xảy ra trên địa bàn cả nước cho thấy, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong ngành giáo dục và toàn xã hội. Bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nóng, là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên mạng xã hội…
Trung tá Phạm Quang Hưng, Trưởng Công an thị trấn Yên Viên, chia sẻ với học sinh trường THCS Yên Viên tại buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật |
Trong tháng 9 vừa qua, trên đường đi học về, một nữ sinh lớp 8 trường THCS Trung Mầu, huyện Gia Lâm đã bị một học sinh khác đánh gây thương tích phải nhập viện điều trị. Sự việc được một số học sinh dùng điện thoại quay lại và phát lên mạng xã hội Facebook.
Qua hình ảnh cho thấy, nữ sinh bị bạn cùng giới đánh, đạp liên tiếp vào người trước sự chứng kiến, hò reo của nhiều em học sinh khác.Nạn nhân chỉ biết ôm mặt nằm im dưới đất chịu đau,không thể phản kháng. Sau khi clíp nữ sinh đánh bạn được đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Mọi người đều tỏ ra bất bình, phẫn nộ trước vụ việc khi các cháu đang là học sinh THCS mà đã có hành động bạo lực như vậy?
Ngoài vấn nạn bạo lực học đường thì tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn ra phổ biến như: Chưa đủ tuổi điều kiển xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang, đèo quá số người… Nguyên nhân các em vi phạm là do các em chưa có ý thức tốt chấp hành pháp luật về giao thông, chưa nhận thức hết những nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Do đặc điểm tâm lý tuổi mới lớn, hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân, thiếu sự quản lý của gia đình nên một số học sinh còn đi độ xe, đua xe, mà không biết mình đang vi phạm pháp luật.
Học sinh thường gửi xe gắn máy bên ngoài, nên nhà trường cũng khó can thiệp, kiểm soát. Một số trường hợp, học sinh bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý, thì phụ huynh lại đến đóng phạt nhưng về nhà không giáo dục nghiêm khắc dẫn đến học sinh đó coi thường và tiếp tục vi phạm.
Quang cảnh buổi phổ biến giáo dục pháp luật được Công an thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) tổ chức tại trường THCS Yên Viên |
Làm gì để học sinh không vi phạm pháp luật
Theo Trung tá Phùng Tuấn Anh, riêng trong ngày 19/10 vừa qua, Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường, đồng loạt triển khai tuyên truyền giáo dục pháp luật trên 22 hai trường trung học cơ sở trên toàn địa bàn huyện.
Nội dung tuyên truyền tập trung 5 vấn đề: Bạo lực học đường; cách thức sử dụng mạng xã hội và ứng xử văn hóa; Cách phòng tránh bị lạm dụng; Vấn đề tham gia giao thông an toàn; Cuối cùng là vấn đề về đuối nước;. Cách thức tuyên truyền vừa tập trung toàn trường, vừa có hình thức trực tiếp tại các lớp học; Tuyên truyền viên đưa ra các vấn đề sau đó tương tác trao đổi với học sinh về cách thức giải quyết. Qua đó giúp các em hiểu rõ những hành vi vi phạm pháp luật, thay đổi hành vi. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến an ninh học đường trên địa bàn huyện.
Đại úy Thạch Quang Huy - Phó Công an xã Phù Đổng đứng lớp giảng bài phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em |
Qua các buổi tuyên truyền, lực lượng công an sẽ hướng dẫn các em kỹ năng phòng tránh bạo lực; Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo; Chấp hành tốt nội quy trường lớp; Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực. Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.
Các em biết kiềm chế cảm xúc và tích cự tham gia vào các hoạt động tình nguyện do các đoàn thể, nhà trường, khu dân cư tổ chức nhằn tăng tính thiện và tính hướng thiện trong mỗi con người các em.
Ngoài ra, Công an Gia Lâm còn hướng tới việc trang bị cho các em có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống các đối tượng biến thái, dâm ô, xâm hại tình dục; Khuyến cáo học sinh không đi một mình hoặc hạn chế đi lại ở nơi vắng người, trời tối; không ở trong phòng kín một mình với người lạ;
Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do; Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng đồ ăn uống của người lạ đưa; Cần tỉnh táo nhận biết khi người lạ có hành động nghi vấn hoặc đụng chạm cơ thể, ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, rủ vào chỗ vắng người qua lại…
Khi thấy người lạ có biểu hiện nghi vấn, các em cần khéo léo ứng phó; Kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người. Trong trường hợp khẩn cấp, các em gọi đến số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113… để được Công an và cơ quan y tế trợ giúp.
Quang cảnh buổi phổ biến giáo dục pháp luật tại một lớp học, các em học sinh hào hứng tham gia |
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh trên địa bàn huyện Gia Lâm, Đại úy Thạch Quang Huy - Phó Công an xã Phù Đổng cho biết: Tâm lý các em khi bé biếng ăn, hoặc làm việc gì đó chưa đúng với mong muốn của người lớn thì thường bị dọa gọi chú công an dẫn tới e dè khi thấy 2 cán bộ mặc sắc phục cảnh sát vào lớp.
Để thực hiện tốt việc tuyên truyền thì bên cạnh việc bám sát nội dung giáo dục pháp luật của Công an TP Hà Nội và huyện Gia Lâm, chúng tôi đã khéo léo giải toả tâm lý, lồng ghép những câu chuyện pháp luật; đưa ra câu hỏi về tình huống xảy ra trong đời sống thực tế để các em suy nghĩ, trả lời về hướng giải quyết thế nào là đúng... Từ đó, các em sôi nổi đặt ra các câu hỏi tương tác, hào hứng tiếp nhận các bài giải của thầy cô mang sắc phục Công an Nhân dân.
Cô Bùi Thanh Huyền - Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Yên Viên thì cho biết, việc tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật được các thầy cô và học sinh hào hứng đón nhận.
“Buổi học không những nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cho học sinh về luật pháp mà còn trang bị cho các con thêm nhiều kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Sự tương tác với các đồng chí Công an và học sinh khiến các con rất thích thú. Nhiều em vô tư đặt câu hỏi để cán bộ công an trả lời, tạo không khí sôi nổi, sinh động.
Các con ở độ tuổi mới lớn, dễ có nhận thức sai lệch, qua các buổi phổ biến giáo dục pháp luật như thế này sẽ giúp cho các con có được thói quen chuẩn mực trong học tập cũng như trong cuộc sống. Quan trọng nhất là tạo cho các con có ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông và nhận thức các hành vi vi phạm pháp luật như bạo lực học đường sẽ ảnh hưởng bản thân không những bây giờ mà đến sau này”, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Yên Viên nói.