Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum kiểm tra lò giết mổ gia súc "hành" dân
Đoàn kiểm tra của UBND TP Kon Tum kiểm tra kiện trường tại lò giết mổ gia súc tập trung (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Đoàn kiểm tra do ông Dương Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) làm trưởng đoàn cùng đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cùng chính quyền xã Vinh Quang.
Quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành nhận định tình trạng nước thải của lò giết mổ gia súc tập trung chảy ra môi trường và ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp của người dân là đúng sự thật.
Đoàn kiểm tra nhận định việc nước thải của lò mỏ chảy ra môi trường và ảnh hưởng đến hoa màu, cây trồng của người dân là đúng sự thật (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Ông Dương Anh Hùng yêu cầu Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp ngay trong ngày mai phải tổ chức xử lý các hố xử lý nước thải đã quá tải tại lò giết mổ; Dẫn nước thải qua khu vực hồ sinh thái và không để tình trạng nước thải chảy tràn ra ngoài đường như hiện nay.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum cũng yêu cầu Phòng Kinh tế có phương án hỗ trợ cho các hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường từ lò giết mổ gia súc tập trung gây ra.
Nước thải bên trong lò mổ gia súc tập trung chảy ra môi trường khiến người dân rất bức xúc (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài: "Lò giết mổ gia súc tập trung hành dân". Bài viết phản ánh về việc nhiều hộ dân ở xã Vinh Quang, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) bức xúc bởi hệ thống xử lý nước thải của lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và hoa màu của người dân.
Tại đây, mương thủy lợi mà lò giết mổ tập trung thành phố xả nước thải xuống là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 20 hecta lúa của xã Vinh Quang, phường Ngô Mây và một số diện tích cây trồng khác.
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nước thải của lò giết mổ tập trung, các hộ dân xã Vinh Quang đã kiến nghị với chính quyền địa phương thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND 2 cấp nhưng đến nay sự việc vẫn không được giải quyết.
Không chỉ ảnh hưởng đến diện tích lúa của người dân, nước thải từ bể lắng lọc của lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum cũng chảy qua diện tích đất cao su của hộ dân lân cận và tràn ra đường đi. Nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum hoàn thành và đưa hoạt động từ năm 2022 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum quản lý. Công suất giết mổ khoảng 175 con gia súc/ngày và 2.000 con gia cầm/ngày. Hiện nay, có 29 hộ đang hoạt động tại lò, bình quân mỗi ngày giết mổ 150 con gia súc và 100 con gia cầm. Đạt khoảng 85% công suất giết mổ gia súc, đạt 0,05 % công suất giết mổ gia cầm của dự án. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải của lò giết mổ không đảm bảo và hiện đã quá tải. Mỗi ngày có hơn 50m3 nước thải kèm theo dầu mỡ, phân và cả nước mưa trong khu vực lò mổ đổ xuống bể xử lý nước thải. Sau đó dẫn thẳng ra hồ chứa sinh học và chảy xuống mương nước thủy lợi. |