Phụ nữ Thủ đô tích cực chuyển đổi số để bắt kịp xu thế
Chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội
Nằm ở địa bàn xa trung tâm của Thủ đô, Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh, xã Châu Sơn (huyện Ba Vì), là một mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý điều hành, chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nông sản. Hợp tác xã hiện có 7 thành viên, tạo việc làm cho hơn 80 lao động địa phương với thu nhập từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Hội Liên hiệp phụ nữ và chính quyền địa phương, hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị thực hiện quy trình sản xuất từ khâu chế biến đến đóng gói các sản phẩm.
Ngoài việc tổ chức 5 điểm bán hàng tại 5 tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, hợp tác xã còn tích cực tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm cấp huyện, thành phố, trung ương tổ chức.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành viên hợp tác xã sử dụng sàn thương mại điện tử Shoppee, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok làm nền tảng giao thương.
Nhiều phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có các chủ thể OCOP đã sử dụng công cụ livestream để bán hàng |
Chia sẻ về hoạt động của Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh, bà Phạm Thị Tư Hậu là thành viên sáng lập cho biết, hợp tác xã là nơi kết nối thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thô của nông dân huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội.
Thông qua chuyển đổi số, liên kết để quảng bá thương hiệu và phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị, hợp tác xã đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Không chỉ ở Ba Vì, hiện nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng khuyến khích phụ nữ chuyển đổi số để phát triển kinh tế.
Với nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, năm 2023, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã thành lập Hợp tác xã Mây tre nón lá Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Hiện nay, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận 4 sao, xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh việc tập trung quảng bá sản phẩm, truyền thông, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã đầu tư, cải tạo cơ sở của mình thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, mua sắm sản phẩm.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã… do phụ nữ làm chủ đều chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội. Bằng chứng là nhiều chị em đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, từng bước đưa sản phẩm kinh doanh lên các nền tảng mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử.
Để chị em không đứng ngoài xu thế
Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thành phố Hà Nội đã trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử cho hơn 10.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hơn 11.000 phụ nữ khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và thương mại điện tử...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Để thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã chủ động kết nối các chuyên gia công nghệ hỗ trợ 1.200 doanh nhân nữ, phụ nữ mới lập nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, kỹ năng sử dụng hiệu quả các kênh mạng xã hội, tạo banner quảng cáo, tạo mã QR, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến...
Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thành phố Hà Nội đã trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử cho các nữ chủ doanh nghiệp |
“Từ nay đến cuối năm 2024, cùng với việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, kinh doanh, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử… cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông trực tiếp, trực tuyến đến những nhóm đối tượng phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp.
Đặc biệt, các cấp hội sẽ quan tâm tới phụ nữ vùng xa trung tâm, phụ nữ khối chợ; hướng dẫn phụ nữ lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng các dự án, sản phẩm sáng tạo để tìm kiếm cơ hội hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Các hoạt động này sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Liên quan đến các mô hình chuyển đổi số của phụ nữ Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa khẳng định: Những mô hình kinh tế hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của phụ nữ khu vực nông thôn Thủ đô dù còn mới nhưng đã thuyết phục và lan tỏa trong đời sống.
Từ đó, thu nhập của người sản xuất được nâng cao, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển. Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế của phụ nữ khu vực nông thôn đã và đang góp phần xây dựng quê hương phát triển bền vững, hiện đại, văn minh.