Phương tiện đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động Công đoàn
“Vấn đề gốc rễ là chất lượng cán bộ Công đoàn" Đổi mới phương thức hoạt động, nhiệm vụ sống còn của Công đoàn Khi Công đoàn là “bạn”… |
Do đó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, vào cuộc của tất cả các cấp Công đoàn để không chỉ đáp ứng sự chuyển đổi số quốc gia mà còn phát triển xứng tầm với thời đại và các nhiệm vụ của Công đoàn đặt ra trong bối cảnh mới.
Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Đề án Chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam |
Hòa cùng xu thế chung
Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện để tạo bước đột phá và Công đoàn Việt Nam không nằm ngoài uy luật này. Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn nhằm góp phần phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đồng thời nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hiện nay, hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam có hơn 10 triệu đoàn viên. Thời gian qua, Công đoàn đã tập trung chủ yếu hoạt động chăm lo cho đoàn viên, còn việc phục vụ cho đoàn viên mới chỉ một phần. Do vậy, cac cấp Công đoàn cần gia tăng các hoạt động phục vụ người lao động, trong đó, chuyển đổi số của Công đoàn là một trong những giải pháp góp phần phục vụ tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của của đoàn viên, người lao động.
Tầm quan trọng về chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn cũng đã được Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, đó là góp phần thay đổi phương thức hoạt động Công đoàn, từ tuyên truyền, vận động đến công tác tập hợp, phát triển và quản lý đoàn viên hay nói cách khác đây chính là phương tiện để Công đoàn đổi mới tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động. Bởi qua đó, lãnh đạo các cấp có thể tương tác trực tiếp với đoàn viên, đồng thời phương pháp tập hợp, vấn đề chăm lo, bảo vệ đoàn viên, quy trình ra các quyết định cũng được thực hiện theo phương thức mới. Qua đó, cac cấp Công đoàn nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường làm việc an toàn, thân thiện, phục vụ tốt cho hoạt động; tăng cường kết nối thông tin trực tiếp giữa đoàn viên, người lao động với cán bộ làm công tác Công đoàn các cấp.
Theo Dự thảo Đề án chuyển đổi số của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đoàn viên Công đoàn là trung tâm trong hoạt động chuyển đổi số của Công đoàn nhằm bảo vệ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Tất cả đoàn viên, cán bộ công chức Công đoàn được gắn định danh số để đăng nhập, sử dụng các dịch vụ số hỗ trợ…
Mục tiêu đến năm 2025 là tạo lập dữ liệu số đoàn viên; tối đa các dịch vụ hỗ trợ đoàn viên; gia tăng sự tương tác, các kênh giao tiếp cho đoàn viên; hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ Công đoàn các cấp trên môi trường số; nâng cao chất lượng phục vụ đoàn viên của Công đoàn; nâng cao năng suất, hiệu quả xử lý công việc của hệ thống Công đoàn; xây dựng báo cáo số kịp thời, đa chiều, linh động, chủ động cho lãnh đạo Công đoàn các cấp; cập nhật thông tin về đoàn viên sâu sát, chính xác, nhanh chóng hỗ trợ lãnh đạo Công đoàn các cấp ra các quyết định chỉ đạo điều hành.
Công đoàn TP HCM đã ứng dụng giải pháp công nghệ quét mã QR trong công tác quản lý đại biểu, thông tin, điểm danh đại biểu dự Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII |
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành
Hướng tới mục tiêu trên, thời gian qua, LĐLĐ TP Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong toàn hệ thống, với mục tiêu đổi mới phương thức, nội dung hoạt động trên không gian mạng, dưới dạng số hóa, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Bá Vĩnh, Công đoàn Viên chức TP Hà Nội xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng đối với cán bộ công chức, viên chức Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Để đưa chuyển đổi số vào hoạt động Công đoàn, LĐLĐ Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, sử dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cấp Công đoàn. Thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, nhiều nội dung được cập nhật nhanh chóng, kịp thời tới Công đoàn viên.
Trong đó, Công đoàn Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong cơ quan với mục tiêu đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn trên không gian mạng, dưới dạng số hóa. Trong đó, trọng tâm là công tác quản lý đoàn viên, công tác quản lý kinh phí, đoàn phí, truyền thông Công đoàn, tạo sự đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động...
Để đưa chuyển đổi số vào hoạt động Công đoàn, Công đoàn Sở TT&TT Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, sử dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook nhiều nội dung được cập nhật nhanh chóng, kịp thời tới đoàn viên.
Công đoàn Sở cũng làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số thông qua các hình thức phù hợp tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, lao động để mỗi người hiểu, nắm bắt được chủ trương chung về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, vận dụng vào công việc cụ thể...
Tại Bắc Giang, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ gắn với đặc thù sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, chất lượng các phong trào thi đua trong Công đoàn các cấp được nâng lên.
Với chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, LĐLĐ tỉnh đã ký chương trình phối hợp với một số ngân hàng thương mại để thu đoàn phí, kinh phí Công đoàn qua tài khoản chung của Công đoàn Việt Nam. Đến nay đã có 150 doanh nghiệp định kỳ đóng kinh phí Công đoàn qua tài khoản chung. Kết quả thu năm sau cao hơn năm trước (năm 2020 hơn 56 tỷ đồng; năm 2021 hơn 100 tỷ đồng; năm 2022 gần 150 tỷ đồng). Nhờ vậy đã nâng cao hiệu quả quản lý tài chính Công đoàn, khai thác, nắm bắt được nguồn thu, ngăn ngừa thất thu kinh phí Công đoàn; minh bạch các khoản chi tiêu.
LĐLĐ tỉnh nâng cấp trang thông tin điện tử và thường xuyên cập nhật thông tin mới về hoạt động nghiệp vụ, chính sách, pháp luật, thông tin liên quan đến người lao động, đến nay trang thu hút gần 800 nghìn lượt truy cập.
Trang fanpage Công đoàn Bắc Giang có gần 10 nghìn lượt theo dõi, có khoảng 20 nghìn lượt tiếp cận, truy cập các bài viết mỗi tháng. Những thông tin hữu ích đã giúp lan tỏa các phong trào thi đua; người lao động kịp thời cập nhật những quy định về quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.
Lan tỏa từ “điểm” tới “ diện”
Theo các chuyên gia, “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”, “nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”, công nghệ chỉ là kỹ thuật, công cụ phục vụ quá trình chuyển đổi số. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi số tổ chức Công đoàn thì công tác nhận thức phải được quan tâm hàng đầu.
Theo đó cần thực hiện chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, lan truyền từ “điểm” tới “diện”, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công, điển hình, có tính chất thuyết phục cao.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần xây dựng thể chế thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Việc xây dựng thể chế là yếu tố then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được diễn ra có hiệu quả. Nhiệm vụ này trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó phải nói đến vai trò trung tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tổng Liên đoàn cần xây dựng trung tâm chuyển đổi số và có kế hoạch, chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động của tổ chức Công đoàn, đồng thời kết hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước khác, rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, tạo lập và mở đường cho quá trình ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động quản trị, điều hành của tổ chức Công đoàn.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong chuyển đổi số cơ sở dữ liệu, con người thực thi mới quan trọng. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần phải có một nền tảng chung quản lý Công đoàn từ Trung ương tới cơ sở. Cùng với đó, cần có chiến lược về cơ sở dữ liệu của Công đoàn...
Còn theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, chuyên gia tư vấn chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam cần đặt đoàn viên, người lao động là trung tâm để chuyển đổi cách thức làm việc, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong người lao động. Trong bối cảnh kinh tế số, kỹ năng của người người lao động sẽ phải thay đổi rất nhiều, Công đoàn cần đặt mục tiêu hỗ trợ người lao động thích ứng nhanh nhất trong thời gian tới. Cùng với đó là trang bị cho người lao động kỹ năng số để sống an toàn và có văn hóa trên môi trường mạng.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Bá Vĩnh cho biết, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn trên địa bàn TP tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo hình thức phù hợp để từng cán bộ, công chức, viên chức, nắm bắt được chủ trương, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, từ đó vận dụng vào công việc cụ thể.
Đặc biệt, thay đổi về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tác nghiệp; đẩy mạnh số hoá trong việc trao đổi tài liệu, giao ban trực tuyến... để bắt kịp xu thế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng Thủ đô thông minh, chính quyền điện tử.
Quá trình chuyển đổi số hoạt động của Công đoàn Việt Nam là một phần tất yếu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, điều này càng đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong quá trình hội nhập quốc tế. Thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số hoạt động của Công đoàn sẽ góp phần thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số quốc gia.