Quà lưu niệm - những tấm danh thiếp của Hà Nội gửi đi muôn nơi
Hàng nghìn sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách dịp SEA Games 31 |
Những sản phẩm đặc trưng
So với bạn bè, tôi may mắn sớm có một căn nhà cho riêng mình ở đất Thủ đô, nơi tôi chọn làm quê hương thứ 2 và sẽ gắn bó cả đời. Trong căn nhà nhỏ xinh ấy, từ những chuyến đi khắp các vùng trong nước và cả nước ngoài, tôi sưu tầm được khá nhiều những món đồ lưu niệm.
Những món đồ ấy không chỉ góp phần trang trí cho ngôi nhà thêm màu sắc, sinh động mà còn khiến tôi mỗi lần cầm lên thứ gì là thấy ngay đặc trưng của vùng miền mình đã đến, như được sống lại kí ức của chuyến đi đầy thú vị.
Các sản phẩm lưu niệm của Hà Nội |
Chẳng hạn, con rồng bằng đá ôm viên ngọc là chuyến đi Trung Quốc. Dụng cụ mở bia hình con cá có đầu sư tử là của đảo quốc Singapore, bức tranh vẽ người phụ nữ cổ dài là từ đất nước Myanmar, chiếc cờ nhỏ có hình chùa tháp là của đất nước Campuchia, chiếc túi thổ cẩm có tua sặc sỡ là của Sa Pa, chiếc vỏ dừa khắc hình cô gái tóc dài là của Bến Tre, hay chai rượu nhỏ thắt nút cổ bồng là của xứ rượu Bàu Đá... Chợt một ngày, tôi nhìn lên những món đồ lưu niệm ấy và nghĩ, sao mình chưa có một món gì đó của Hà Nội?
Có thể, bạn sẽ cho tôi là… lẩm cẩm. Ở Hà Nội rồi, việc gì phải sưu tầm, trưng bày quà lưu niệm của Hà Nội nữa? Song, cứ cho rằng tôi là người ở nơi xa đến đi, bạn sẽ tặng tôi món quà gì khi tôi tạm biệt Hà Nội? Thật quá khó phải không? Bạn bè, người thân của tôi ở quê lên Hà Nội, tôi hay mua cho họ những thứ gắn liền với Thủ đô để làm quà khi mang về như ô mai sấu, ô mai mơ, lạc rang húng lìu, mứt sen, bánh cốm Hàng Than, thậm chí cả kem Tràng Tiền đóng vào hộp đá nữa.
Đó là những thứ ăn được. Còn những thứ để trưng bày, để nhìn vào đó là nhận ngay ra "chất" Hà Nội? Tôi tin, vướng vào "chủ đề thảo luận" này, nếu như vài năm trước bạn sẽ còn phải nghĩ nhưng bây giờ, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Tôi đã đi khắp Hà Nội để mua về những món đồ ấy, trưng bày trong nhà mình.
Điều đầu tiên khi người ta nghĩ đến quà lưu niệm của Hà Nội đó là gốm Bát Tràng. Một bộ ấm chén, một chú lợn đất, một bình hoa, hay chiếc bát ăn, hay chiếc hộp đựng trà, hay hình con gà, con hươu, một chiếc mặt nạ treo tường? Những món đồ ấy mua ở chợ Bát Tràng rất sẵn với mẫu mã, kiểu dáng ngày càng phong phú. Trong bảo tàng gốm Bát Tràng còn có cả không gian rất rộng lớn dành riêng cho trưng bày các sản phẩm của nơi đây. Có những bức tranh gốm là “đặc sản” Bát Tràng cũng được nhiều người yêu.
Lại nói đến tranh. Vòng quanh khu phố cổ, quanh hồ Gươm, hồ Tây có rất nhiều cửa hàng bán tranh nhưng đa phần là những bức tranh chép. Cũng có một số cửa hàng bán tranh thêu trên phố Hàng Gai, với nón lá, áo dài, quạt giấy, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, nào Tháp Bút, Tháp Rùa, hoa phượng đỏ rực, bằng lăng tím ngắt, mấy cô gái tóc dài áo dài đạp xe trên đường… nhìn là ra ngay hình ảnh Hà Nội.
Tranh gốm Bát Tràng |
Nhiều người nước ngoài cầu kỳ, hiểu biết, đến Hà Nội là phải tìm bằng được đến nhà họa sĩ Lê Đình Nghiên để mua tranh Hàng Trống. Bây giờ, với việc tranh dân gian Kim Hoàng được khôi phục thì những bức tranh này được bày bán, sản xuất hàng loạt cũng góp phần mang đến màu sắc rất riêng biệt, giúp du khách có thể mua về một sản phẩm đầy tính văn hóa của Hà Nội.
Những con rối nhỏ, những con chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt Chàng Sơn, mây tre đan Phú Vinh… vốn là những sản phẩm được bạn bè quốc tế yêu thích từ lâu cũng làm nên nét đặc sắc riêng cho du lịch Hà Nội.
Cần nhiều hơn nữa những điểm bày bán sản phẩm
Đợt SEA Games 31 vừa qua, hàng nghìn sản phẩm lưu niệm đã được chúng ta sản xuất, bày bán, phục vụ khách du lịch. Chắc chắn, đối với những vị khách phương xa, đó sẽ là món quà, là kỉ niệm đáng nhớ về Hà Nội - vùng đất giàu văn hóa và mến khách.
Linh vật sao la |
Bây giờ, cùng với việc thúc đẩy các sản phẩm OCOP, phát triển du lịch, tập trung xây dựng ngành công nghiệp văn hóa thì các sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho Hà Nội cũng rất cần thiết. Bởi lẽ, khách đến không chỉ vui chơi, thăm thú, trải nghiệm mà còn rất cần có thứ đồ mang về, để tặng bạn bè, để giới thiệu về vùng đất mình đã đi qua hay đơn giản chỉ là món đồ lưu giữ kỉ niệm về nơi họ từng đặt chân đến.
Dù thế nào, những món đồ lưu niệm này cũng mang lại giá trị kinh tế, là tấm danh thiếp hữu hiệu để chúng ta quảng bá văn hóa, quảng bá du lịch. Vì thế, không có lẽ gì không xây dựng những khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, làm quà cho khách phương xa.
Cửa hàng giới thiệu tour du lịch và sản phẩm lưu niệm của Hà Nội |
Trước đây, vào Văn Miếu, ở sát Bờ Hồ, hay vòng qua mấy phố Nhà Thờ, Lý Quốc Sư có những quán bán đồ lưu niệm, nhưng có lẽ sản phẩm bày nhiều, và gây được sự chú ý với du khách phương Tây đó là tượng gỗ mấy con rối nước như chú Tễu, con trâu…
Bây giờ, tại nhiều điểm bán hàng tại Hà Nội, các quầy bán đồ lưu niệm ngày càng phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, hút mắt không chỉ du khách mà ngay cả chính những người dân Thủ đô.
Dù vậy, ở nhiều nước, các biểu tượng nổi tiếng đã được in nổi in chìm trên rất nhiều món đồ vừa nhỏ bé vừa hữu dụng như cái bấm móng tay, bút máy… vừa tiện ích vừa khiến chúng hữu ích với cuộc sống của người mua, người được tặng chứ không chỉ là vật để trưng bày có thể bị lãng quên.
Du khách chọn mua đồ lưu niệm |
Vì thế, tôi mong sao trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, đồng thời cùng niềm tự hào với những nghệ nhân khéo tay, những phố nghề, những làng đúc đồng, chạm khắc nổi tiếng thì sớm đưa ra các sản phẩm du lịch mang đấu dấu nét văn hóa Hà Nội, mà vẫn không thiếu dấu ấn hiện đại, tiện ích.
Bắt đầu từ những điều nho nhỏ như vậy, chúng ta mới dễ hội nhập với bạn bè thế giới, và ngành du lịch Hà Nội cũng mới có thể khiến du khách rút ví tiêu tiền trên chính mảnh đất ngàn năm văn vật này.