Quảng Nam: GRDP 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2022
Cảng Chu Lai - Quảng Nam phục vụ xuất khẩu hàng rời cho các doanh nghiệp tại miền Trung |
Chiều 17/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 9,2%
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước giảm 9,2% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thuộc nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước.
Đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố, xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 29,87%; Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 16,4%.
Trong lĩnh vực du lịch, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt 4.566 nghìn lượt khách, tăng gấp 2 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%.
Sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nền nhiệt độ cao, lượng mưa bổ sung nhiều, thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển và nuôi trồng thủy sản. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 4,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,43% so với tháng 5/2023 và tăng 2,59%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,06%.
Nhiều dự án tại tỉnh Quảng Nam hiện đang vướng giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ |
Thu ngân sách chưa đạt tiến độ dự toán
Theo báo cáo tại buổi họp báo, tính đến ngày 30/6/2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57%; Trong đó, thu nội địa 9.910 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, bằng 67% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 1.903,18 triệu USD, giảm 26,22%, gồm: Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 833,83 triệu USD, giảm 15,75%; Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 1.069,35 triệu USD, giảm 32,75%.
Tổng huy động trên địa bàn đạt 79.595 tỷ đồng, tăng 5,37% so với đầu năm và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 106.713 tỷ đồng, tăng 8,54% so với đầu năm và tăng 19,08%.
Cũng theo báo cáo, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2%. Tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 7.778,766 triệu, xấp xỉ bằng năm 2022.
Đến ngày 30/6/2023, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 1.903,891 triệu đồng, đạt 20,6%; Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 1.497,556 triệu đồng, đạt 19,3%; Kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 406,335 triệu đồng, đạt 27,5%.
Tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đã phân bổ đạt 95,9%; Đến ngày 30/6/2023, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 17,1%; Giảm nghèo bền vững đạt 5,6%; Xây dựng Nông thôn mới đạt 20,9%.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 2 nhiệm vụ với 5 dự án với tổng mức đầu tư 621 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2023, tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn chi tiết cho tất cả các dự án thuộc chương trình và giải ngân đạt 6%.
6 tháng đầu năm 2023 ngành công nghiệp của Quảng Nam sụt giảm |
Thu hút đầu tư nước ngoài thấp
Theo đánh giá trong 6 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Quảng Nam thấp, doanh nghiệp trong nước giảm quy mô và hoạt động. Do đó, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được tập trung đẩy mạnh. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam đã tích cực phối hợp các Bộ, ngành Trung ương thực hiện 9 nhóm nội dung được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 135/TB-VPCP.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó, tỉnh cập nhật, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 642 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đã cấp mới 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD; Tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 194 dự án với tổng vốn đầu tư 6,06 tỷ USD. Quảng Nam cấp phép cho 7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1.412 tỷ đồng; Tổng số dự án trong nước còn hiệu lực 902 dự án với tổng vốn đầu tư 240 nghìn tỷ đồng.
Quảng cảnh họp báo chiều 17/7 |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 Quảng Nam lọt vào top 30, tăng điểm (từ 66,24 điểm lên 66,62 điểm) nhưng tụt 3 bậc (từ 19 xuống 22/63 tỉnh, thành phố) so năm 2021.
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện UBND tỉnh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023.
Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện một số chính sách, giải pháp trọng tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và bền vững; Nâng cao trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành và địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Triển khai có hiệu quả hoạt động của tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với đó, Quảng Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng các gói sản phẩm du lịch với giá ưu đãi, có chất lượng để thu hút du khách. Trong đó, tỉnh tổ chức hiệu quả các hoạt động “Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến Quảng Nam năm 2023”.