Quảng Nam: Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU
Quảng Nam: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Quảng Nam: Tam Kỳ ra mắt logo đậm bản sắc văn hóa Quảng Nam: Lừa đảo chạy án chiếm đoạt 250 triệu đồng |
Các tàu cá khai thác hải sản trên vùng biển Quảng Nam (Ảnh: N.Dương) |
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá
Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (số liệu tính từ 1/1/2024 đến 26/8/2024) địa phương đã chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm trong năm 2023 và 2024, tàu câu mực của các xã: Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải - huyện Núi Thành; Bình Minh - huyện Thăng Bình mất tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển nước ngoài.
Khi phát hiện các tàu cá mất tín hiệu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức làm việc, mời người nhà các chủ tàu, thuyền trưởng các tàu nói trên để thông báo tình hình.
Đồng thời, phổ biến các quy định pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm, yêu cầu người nhà nhanh chóng kêu gọi, động viên các thuyền trưởng mở lại máy giám sát hành trình và đưa tàu trở lại vùng biển Việt Nam nếu đã sang vùng biển nước khác.
Tính đến ngày 27/8/2024, tỉnh Quảng Nam có tổng số 3.389 tàu cá, trong đó có 2.220 tàu cá đã được đăng ký và 1.169 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép (tàu cá 3 không).
Ngư dân khai thác hải sản vùng bờ của tỉnh Quảng Nam (Ảnh: N.Dương) |
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đối với các tàu cá “3 không” của tỉnh, ngay sau khi Hội nghị sơ kết công tác IUU ngày 1/8/2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra nghiêm ngặt tại các Trạm kiểm soát biên phòng tuyến biển, nhằm ngăn chặn không cho các tàu cá không đảm bảo các quy định ra vào cửa.
Đồng thời, yêu cầu các phương tiện không đảm bảo các quy định quay về bờ để được hướng dẫn đến UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp phép.
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường hỗ trợ các Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, phường triển khai công tác đăng ký, cấp phép cho tàu cá “3 không” của ngư dân theo quy định.
Đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tàu đang nằm trên các triền đà hoặc các bờ sông do không đảm bảo an toàn, chờ giải bản, thanh lý, nằm bờ do hoạt động không hiệu quả…các tàu cá này cũng được Chi cục Thủy sản và địa phương liên quan xác định vị trí và giám sát chặt chẽ.
Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đại kiểm tra chặt chẽ không cho các tàu cá không đảm bảo các quy định ra vào (Ảnh: N.Dương) |
Xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác IUU
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam, từ đầu năm đến nay Sở và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thường xuyên phối hợp, triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông, biển.
Cùng với đó, phối hợp với Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Quảng Nam tại Cảng cá Tam Quang xử lý trên 130 vụ về khai thác IUU và xử phạt vi phạm hành chính 87 vụ vi phạm khai thác IUU.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính tính từ đầu năm đến nay là 1.879.750.000 đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (59/87 vụ).
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác chống khai thác IUU theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Tuy nhiên, việc theo dõi, kiểm soát ngăn chặn ngay từ trong bờ và giám sát chặt chẽ tàu cá khi xuất nhập bến, hoạt động trên biển còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, tỉ lệ sản lượng hải sản khai thác được giám sát qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh.
Nhóm tàu chụp mực, câu mực khơi có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác. Tình trạng một số tàu làm nghề lưới chụp mực, lưới vây, câu… không mở máy giám sát hành trình khi hoạt động khai thác tại vùng lộng, vùng bờ vẫn còn diễn ra.
Tàu cá hoạt động khai thác xa bờ của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Ái Ly) |
Nguyên nhân được xác định là do một số địa phương chưa huy động tối đa nguồn lực để giải quyết tồn tại, hạn chế theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, vì lợi ích kinh tế cá nhân mà cố tình vi phạm quy định.
Ngư trường khai thác mực khơi ở vùng biển được phép khai thác của Việt Nam có sản lượng thấp cũng là nguyên nhân khiến ngư dân có xu hướng khai thác ở các vùng biển chồng lấn, vùng biển nước ngoài để đạt sản lượng cao hơn.