Quảng Nam: Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I sụt giảm
UBND tỉnh Quangr Nam tổ chức họp báo quý II/2023 |
Theo đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải cơ cấu lại kế hoạch kinh doanh, đồng thời cắt giảm bớt lao động nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, dẫn đến chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tính giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Khu vực công nghiệp và xây dựng sụt giảm
Theo báo cáo tại buổi họp báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Quảng Nam đạt hơn 13.710 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%; Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 27,4% so với cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%.
Trong quý I/2023 khu vực dịch vụ đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hỗ trợ cho sự sụt giảm của khu vực công nghiệp - xây dựng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bị giảm sâu do một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm đạt thấp, đặc biệt nguồn thu chủ lực từ Tập đoàn Trường Hải.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý I giảm 27,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4% do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, thị trường tiêu dùng thu hẹp. Các đơn hàng xuất khẩu giảm sút đáng kể, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm.
Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn |
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm; Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 tiếp tục trượt dốc với mức giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cũng cho thấy, chỉ số sản xuất trong quý I/2023 của một số ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như: Khai thác than cứng và than non giảm 23%; Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15%; Ngành dệt giảm 33%; Sản xuất xe có động cơ giảm 51%...
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước như: Dệt tăng 115%; Sản xuất trang phục tăng 16%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ tre, gỗ, nứa tăng 284%; Sản xuất xe có động cơ tăng 132%.
Đại diện Sở TNMT tỉnh Quảng Nam trà lời câu hỏi của báo chí |
Thương mại, dịch vụ giữ đà phát triển
Trong quý đầu năm 2023, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra khá sôi nổi, nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng cao, đặc biệt là trong dịp trước Tết Nguyên đán, với tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%.
Không những thế, ngành du lịch của tỉnh cũng đang phục hồi và phát triển khá tốt với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn cùng các hoạt động giải trí đa dạng, đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Những tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, tăng trưởng đáng kể cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Việc Trung Quốc cho phép mở các tour du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3/2023 đã tạo ra một cơ hội lớn cho ngành du lịch.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 3/2023 ước đạt 575.000 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó: Khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt khách, tăng gấp 84 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 305.000 lượt khách, tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 1,63 triệu lượt khách, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó: Khách quốc tế ước đạt 765.000 lượt khách, tăng gấp 85 lần với cùng kỳ; Khách nội địa ước đạt 865.000 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Du khách tham quan phố cổ Hội An |
Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ 3 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ; Trong đó, vận tải hành khách đạt trên 201 tỷ đồng, tăng 128%; vận tải hàng hóa đạt trên 795 tỷ đồng, tăng 4,1%, hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ đạt 221 tỷ đồng, tăng 31%.
Ngoài ra, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 của tỉnh nhìn chung ổn định, duy trì tốc độ phát triển với mức tăng đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các cây trồng vụ Đông Xuân đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển; Chăn nuôi gia súc ổn định, chăn nuôi gia cầm phát triển khá; Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào chăm sóc và bảo vệ rừng; Hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.