Quảng Ninh: Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi trên toàn địa bàn tỉnh
Theo đó, UBND tỉnh nhận được Văn bản số 4167/SNN&PTNT-CNTY ngày 30/9/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xử lý ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Để khẩn trương kiểm soát, khống chế ổ dịch đang xảy ra, đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh tái phát và lây lan trên toàn tỉnh; tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại công văn số 4529/VPCP-NN ngày 08/6/2020 về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan trên diện rộng; Văn bản số 5984/BNN-TY ngày 31/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:
Đối với UBND huyện Bình Liêu cần tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), đảm bảo khống chế nhanh, không lây lan dịch bệnh.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, rà soát, kiểm tra và nắm chắc tình hình tái đàn lợn để có phương án chống dịch hiệu quả; thành lập tổ cơ động liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, buôn bán lợn giống, quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh đã xuất hiện trên địa bàn để mọi người dân biết, chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Khuyến cáo người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đối với UBND các địa phương khác trong tỉnh cần triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2020 theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp năm 2020; Thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2020 từ ngày 20/9 - 20/10/2020 báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trước ngày 25/10/2020; Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến chủ cơ sở chăn nuôi, yêu cầu phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: Sử dụng con giống sạch bệnh; cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng bằng vôi bột, hóa chất; Nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi.
Cùng với đó, chủ động giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh DTLCP; Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; Báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn, bản, khu đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch; Phân công cán bộ phụ trách địa bàn hỗ trợ các địa phương xử lý dứt điểm ổ dịch phát sinh, không để dây dưa kéo dài; Phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tại các vùng nguy cơ thấp tổ chức tái đàn có kiểm soát; Đăng ký nhu cầu sử dụng con giống sạch bệnh, làm đầu mối kết nối với các công ty sản xuất, cung ứng giống lợn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động tăng cường quản lý nhà nước theo quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành; UBND các địa phương triển khai thực hiện.