Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) |
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) |
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; Khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 32 về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với đa số đại biểu tán thành.
Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định rõ 4 trường hợp bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cụ thể, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau: Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Một điểm mới quan trọng khác, đó là Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) không quy định cứng số lần xét nghiệm ma túy trong cơ thể.
Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của người lần đầu sử dụng chất ma túy, người tái sử dụng chất ma túy, người nghiện ma túy tại Chương IV và V tương ứng ở từng biện pháp quản lý bị áp dụng.