Quy hoạch tỉnh Đồng Nai: “Đánh thức” tiềm năng để phát triển xứng tầm
"Kim chỉ Nam" đưa Đồng Nai phát triển vượt bậc Đồng Nai xác định "hạt nhân" động lực phát triển kinh tế vùng Khánh thành dự án Cầu Bạch Đằng 2 nối Đồng Nai - Bình Dương |
Những nguồn lực quan trọng
Đồng Nai có vị trí chiến lược, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế. Tỉnh cũng nằm trong tứ giác phát triển kinh tế (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), nòng cốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tiếp giáp với các vùng kinh tế, nguyên liệu, nhân lực khá đặc thù như: Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh. |
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ, địa phương quyết tâm đi đầu phát triển công nghiệp cao, có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tín ngưỡng và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí tuệ và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net Zero”.
Điểm đáng lưu ý, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai lần này xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, đưa tỉnh trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistic; thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại.
Quy mô của Sân bay Long Thành trong giai đoạn 1 có công suất 25 triệu lượt khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, mỗi ngày sẽ đón trung bình 70 ngàn hành khách, khi hoàn thành toàn bộ, một ngày sẽ đón 300 ngàn lượt hành khách.
Dự án sân bay Long Thành trở thành biểu tượng phát triển, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân Đồng Nai, là cơ hội “mở cửa” bầu trời để nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối với các nước trên thế giới, đưa vùng đất này “cất cánh”.
Trong khi đó, sông Đồng Nai được đồ án quy hoạch xác định là một trục kinh tế năng động của tỉnh giai đoạn mới. Việc bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc; duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai sẽ tạo động lực phát triển mới. Xây dựng tuyến đường ven sông và các đô thị ven sông, xâu chuỗi liên hoàn các hoạt động du lịch, văn hoá, dịch vụ tạo sức hút mới. Tỉnh sẽ triển khai xây dựng các cầu bắc qua sông liên kết mạnh mẽ với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.
“Chìa khóa” để thu hút đầu tư
Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được định vị, định hướng phát triển được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là đội ngũ, là tư duy năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên đưa Đồng Nai sớm “cất cánh” cùng sân bay Long Thành.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai |
Quan điểm nhất quán được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quán triệt sâu sắc trong đội ngũ là phải thấm nhuần tư duy chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của tỉnh Đồng Nai và Nhân dân.
Chia sẻ về nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Bất cứ quy hoạch của một địa phương nào cũng phải lấy người dân làm trung tâm, mọi sự phát triển không có mục đích nào khác là nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân tốt hơn.
Chúng ta quy hoạch trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, những không gian phúc lợi, quy hoạch những con đường kết nối phát triển… cuối cùng cũng để phục vụ cho nhân dân. Chúng ta quy hoạch, phát triển kinh tế cũng nhằm tạo ra nguồn lợi để từ đó quay lại phục vụ nhân dân. Do đó, quan điểm lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, lấy người dân làm trung tâm của mọi đồ án quy hoạch là một quan điểm quan trọng trong đồ án quy hoạch lần này”.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 là một mục tiêu xa, tuy nhiên, muốn trở thành một thành phố văn minh hiện đại trực thuộc Trung ương thì trước hết Đồng Nai phải tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh hơn nữa. Nếu tỷ trọng công nghiệp và nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao thì khó trở thành một thành phố văn minh, hiện đại được. Tăng tỷ lệ đô thị hóa, tăng hàm lượng tri thức trong mọi hoạt động.
“Bài toán đặt ra cho Đồng Nai trong phát triển các ngành nghề kinh tế có hàm lượng chất xám phải cao hơn, tri thức phải nhiều hơn, chất lượng sống phải tốt hơn. Tôi cho rằng, đây là những mục tiêu mà tỉnh sẽ “đeo đuổi” quyết liệt để sớm đưa Đồng Nai trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng sống tốt nhất có thể - với vị trí trung tâm luôn thuộc về người dân”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Với tư duy đột phá, tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình rõ ràng nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trong nhóm dẫn đầu của cả nước, đi đầu trong phát triển về kinh tế hàng không, công nghiệp hiện đại-có công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy sân bay Long Thành làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và logistics.
Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đạt đẳng cấp quốc tế.
Người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh đang chỉ đạo gắt gao nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó sẵn sàng đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư; minh bạch trong tiếp cận thông tin và công tâm lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.
Ngày 24/9/2024, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Văn bản pháp lý quan trọng này có tính chất định hướng cho sự phát triển của Đồng Nai từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. |