Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đảm bảo tính khả thi của các kịch bản tăng trưởng
Ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Đại biểu Quốc hội: Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn |
Sáng 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Báo cáo tổng hợp quy hoạch được xây dựng cơ bản đã đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch và cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030...
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) |
Các đại biểu cho rằng, trong quy hoạch tổng thể quốc gia lần này đã xác định được khá toàn diện các hành lang kinh tế, với các trục dọc, trục ngang rõ ràng. Tuy nhiên cần rà soát thêm để tối ưu hóa các hành lang kinh tế này.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), khác với quy hoạch tỉnh với các cơ sở tương đối rõ ràng, quy hoạch tổng thể quốc gia là một bức tranh hoàn toàn khác. Tuy nhiên, đây là nền tảng cơ sở cho các quy hoạch ngành và địa phương. Do vậy dù khó, nhưng cũng cần sớm hoàn thiện để thông qua.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai. Bên cạnh đó, do đây là quy hoạch tổng thể quốc gia, mang tính khái quát, nên cũng cần làm rõ tính chi tiết của các nội dung trong quy hoạch này đến đâu.
Còn theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), các mục tiêu đưa ra phấn đấu đến năm 2030 trong quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra khá cao.
Do đó, cần phải xem xét tính thực tế và khả thi của các mục tiêu cũng như các kịch bản tăng trưởng đặt ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố bất định, khó lường như chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, biến đổi khí hậu, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt, tác động đến doanh số của các kịch bản nêu ra...
Cho ý kiến về quy hoạch, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần nghiên cứu làm rõ hơn các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra; Bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển.