Quyết tâm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022
Ảnh minh họa |
Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo tổng kế thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành luật vào quý 4/2021; xây dựng hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và trình Chính phủ trong thời gian từ quý 4/2021 đến quý 1/2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào quý 4/2022, chậm nhất là quý 2/2023.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022.
Trên tinh thần đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện đang tập trung nguồn lực, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cơ quan đứng đầu về lĩnh vực đất đai cũng đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và không thông nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với các luật chuyên ngành có liên quan; hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập…
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để hoàn thiện pháp luật về đất đai; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai và những văn bản pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.
Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan; tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển; giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai...