Ra mắt cuốn hồi kí “Mãi vẫn là người lính”
Những người lính phòng cháy vì sự bình yên cho Nhân dân Người lính năm xưa kể chuyện Điện Biên Phủ Dấu ấn những người lính bám bản |
Ngày 12/6, tại Hà Nội, tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Mỹ); tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và CLB “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức lễ tiếp nhận “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam”; giới thiệu tự truyện “Mãi vẫn là người lính”; phục dựng và trao tặng di ảnh chân dung màu cho một số gia đình liệt sĩ…
Những người lính cùng hát vang khúc quân hành |
Sự kiện được tổ chức nhân nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024) với mục đích diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong hòa bình.
Tự truyện “Mãi vẫn là người lính” của tác giả Đặng Ngọc Đa kể về cuộc hành trình của ông từ chiến trường ác liệt, đến “khu vườn hạnh phúc”; từ gian khổ chiến tranh đến cuộc sống hòa bình an nhiên.
Cuốn sách là hồi ức bình dị, chân thực và đầy thú vị về cuộc đời và gia đình của một người lính già xuyên qua quãng thời gian dài với nhiều thăng trầm của cuộc sống và sự kiện lớn lao của đất nước, với bản lĩnh, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ.
Đó là cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa, sinh năm 1939, quê tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là một trong những người lính hiếm hoi hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Thi đua ái quốc năm 1948.
Nhờ tích cực tham gia phong trào dạy “Bình dân học vụ” và đạt thành tích xuất sắc trong công tác xóa nạn mù chữ tại quê nhà (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) mà năm 1958 thầy giáo Đặng Khắc Đa (tên trước đây của ông Đặng Ngọc Đa) đã được Bộ Giáo dục tặng ảnh chân dung Hồ Chí Minh, có chữ ký và bút tích viết tay của Người.
Bìa cuốn tự truyện "Mãi vẫn là người lính" |
Năm 1967, nghe theo lời hiệu triệu về Tổng động viên lực lượng cho chiến trường miền Nam của Đảng, Bác Hồ kính yêu, với tinh thần gương mẫu của một cán bộ đoàn địa phương, ông xung phong, tình nguyện nhập ngũ.
Sau khi được huấn luyện ở Trung đoàn Bãi Sậy, trên đường hành quân vào chiến trường B, Đặng Ngọc Đa đã được kết nạp Đảng trên rừng Trường Sơn. Ông có gần chục năm gắn bó với chiến khu Đức Huệ - Long An và sau đó trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Năm 1990, cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa được nghỉ chế độ. Ông không nghỉ ngơi mà nghĩ đến việc làm kinh tế gia đình. Quê ông ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vùng đất màu mỡ, có truyền thống thâm canh lúa màu, cây trái. Người lính già ấy đã đi khắp nơi học hỏi, rồi về thuê đất trồng hoa và cây cảnh.
Qua nhiều lần thất bại, ông Đa đã gây dựng được một vườn cây cảnh lớn gần như đầu tiên ở quê hương Mễ Sở, cho giá trị kinh tế cao từ 7.000m2 đất lầy. Có thể nói, cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa là một trong những người đầu tiên ở Mễ Sở mở ra một hướng đi mới ở vùng trồng rau, màu, xây dựng vườn cây cảnh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị đất đai canh tác.
Mô hình vườn cây cảnh của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều cựu chiến binh và nhiều nông dân ở Hưng Yên cũng như nhiều nơi trong cả nước học tập, làm theo.
Ban Tổ chức trao kỉ vật chiến tranh tới các gia đình liệt sĩ |
Tại chương trình, Viện Khoa học và Nghệ thuật phối hợp với Viện Hòa bình và Xung đột cùng Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ của Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) đã cử một đoàn cán bộ nghiên cứu sang Việt Nam tìm hiểu thực tế, phối hợp với tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” bàn giao “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” (lần thứ 2) cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Ban Tổ chức trao tặng di ảnh liệt sĩ được phục dựng |
Chân dung các liệt sĩ được phục dựng và trao tặng thân nhân |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, CLB “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với tổ chức “Trái tim người lính” trao tặng 4 ảnh màu được phục dựng tới thân nhân liệt sĩ. Đó đều là những di ảnh duy nhất của các anh chụp trước khi hi sinh.