Săn đồ sale… với “giá gốc” trong "ngày thứ 6 đen tối"
Bánh mì “Dân chơi” giá “Sinh viên” - Tại sao không thử? |
Dành cả ngày tại các trung tâm thương mại lớn rồi đến các con phố mua sắm sầm uất tại Hà Nội là Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Lan Phương (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) mới chỉ mua được cho mình một chiếc áo nhưng lại là hàng giá gốc, không được giảm giá. Cô gái trẻ cho biết, dù là đang là chương trình khuyến mãi nhưng những sản phẩm giảm giá tại các cửa hàng hoặc là chất lượng kém, hoặc là không hợp gu của cô.
Black Friday là thời điểm nhộn nhịp của các tín đồ mua sắm |
"Mùa sale năm nay, mình thấy các sản phẩm giảm giá rất ít, mức giảm không đáng kể, đặc biệt là những món hàng mới. Săn sale ngày Black Friday là thói quen của mình mấy năm nay rồi mình. Năm ngoái mình tìm mua được nhiều đồ với giá tốt, còn năm nay thì toàn hàng cũ, mình hơi thất vọng vì háo hứng chờ đợi dịp này cả năm rồi”, Lan Phương chia sẻ.
Hào hứng dạo qua các khu mua sắm suốt buổi sáng và shop thời trang trong cả buổi chiều, túi đồ của Đặng Thuy Thủy (24 tuổi, freelancer) cũng chỉ có vài ba món đồ. Không khác so với Lan Phương, những món đồ này Thu Thủy cũng chỉ mua được với giá gốc hoặc chỉ giảm 10%.
Thu Thủy ngậm ngùi đi săn sale nhưng lại mua đồ giá gốc |
"Đây có lẽ là là tất cả những gì mình mua dịp sale này. Mình không chọn được mẫu nào ưng ý mà phù hợp với túi tiền. Những món đồ mình thực sự thích và muốn mua thì giá “chát” quá. Năm nay mọi người cũng không đi mua sắm đông như mọi năm. Có lẽ dịp này chỉ có mua đồ online và qua sàn thương mại điện tử thì đông thôi”, Thu Thủy nói.
Không khác với Lan Phương hay Thu Thủy là bao, Kim Anh (20 tuổi, sinh trường Đại học Công đoàn) ngậm ngùi thanh toán món đồ vừa mua với mức giảm giá 10%. Cô gái trẻ cho biết, giảm 10% không đáng là bao, nhưng mà vì đã đến xem và nhờ nhân viên tư vấn nhiều nên Kim Anh mới quyết định mua món đồ trên.
“Mình có thích một món đồ và xem trên website của cửa hàng. Ở trên đó thì món đồ mình muốn mua ghi còn hàng và đang giảm 50%. Mình cũng có gọi trước cho cửa hàng hỏi thì cửa hàng cũng bảo vẫn còn. Vậy nhưng đến nơi thì lại bảo hết. Vì để đỡ “ngại” do các bạn ấy nhiệt tình tư vấn quá nên mình mới quyết định mua món này.
Năm nay các mặt hàng không đa dạng lắm, vừa ít lại còn vừa không giảm giá. Nếu không mua online trước vài món thì có lẽ mình lại “mắc bẫy” thêm tại vài cửa hàng nữa mất”, Kim Anh kể.
Nhiều bạn trẻ cảm thấy thất vọng vì khi đi mua sắm ngày Black Friday không như mình mong đợi |
Giống như Lan Phương, Thu Thủy hay Kim Anh, nhiều bạn trẻ khi đi mua sắm trong dịp Black Friday năm nay cảm thấy khá thất vọng vì các nhãn hàng không thực sự giảm giá nhiều hoặc chỉ tung chiêu câu tương tác. Dành cả ngày để đi khắp các cửa hàng, trung tâm thương mại để mua sắm nhưng nhiều người cho biết không mua được đồ yêu thích, bởi hàng sale hoặc là mẫu cũ “lỗi thời”, hoặc là hàng mới nhưng giữ nguyên giá.
Chia sẻ về câu chuyện “dở khóc dở cười” này, Nguyễn Thùy Trang (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), từng là chủ một cửa hàng thời trang cho biết, những chương trình ưu đãi mua 1 tặng 1 thực chất cũng chỉ là một “mánh” nhỏ để câu kéo khách hàng. Đơn cử như ở cửa hàng quần áo sẽ là mua 1 sản phẩm tặng một đôi tất hoặc một dây buộc tóc, ở cửa hàng giày sẽ là mua một đôi giày tặng 1 đôi tất hoặc dây giày.
Theo Thùy Trang, những chương trình ưu đãi mua 1 tặng 1 thực chất cũng chỉ là một “mánh” nhỏ để câu kéo khách hàng |
“Trong năm có rất nhiều ngày có thể giảm giá, nhưng thời điểm giao mùa là lúc hàng được bán chạy nhất. Khi treo biển giảm giá, khuyến mại giúp cho lượng hàng bán ra tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường nên doanh thu không có nhiều thay đổi, thậm chí còn tăng thêm. Những lần khuyến mại lớn này là cơ hội lớn để xả hàng tồn cũ, hàng hết size….
Thực tế, khi muốn hạ giá 50% trở lên toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng, mình sẽ phải dọn sạch hàng mới ra và đưa thêm đồ cũ vào. Các cửa hàng khác giảm giá toàn bộ sản phẩm ở mức 50% trở lên cũng đều làm như vậy”, Thùy Trang chia sẻ.