Sản phẩm OCOP 4 sao được xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Một số sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và được xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Bài liên quan
Hà Nội sắp tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP
Xây dựng Nông thôn mới luôn có bóng dáng và sự đóng góp của phụ nữ
Lấy người nông dân làm chủ thể trong công tác xây dựng Nông thôn mới
Văn kiện cần nêu nổi bật hơn kết quả xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô
Phúc Thọ tập trung hoàn thiện các thủ tục để về đích Nông thôn mới
Những thư viện đặc biệt ở quê hương Nông thôn mới
Sạch từ đồng ruộng tới bàn ăn
Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức nằm ở phía Nam huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Hợp tác xã chuyên sản xuất rau màu và lương thực, mỗi năm, Văn Đức sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 30.000 tấn rau, củ các loại.
Ngoài việc cung cấp nguồn rau xanh phục vụ người dân Thủ đô, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức còn bán, cung cấp rau an toàn cho các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... và xuất khẩu sang một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Gia đình bà Đinh Thị Hường ở thôn Chử Xá (xã Văn Đức) có hơn một mẫu ruộng, quanh năm trồng gối vụ với đa dạng chủng loại rau. Bà Hường chia sẻ: "Đây là vùng trồng rau an toàn nên hầu hết người dân đều tuân thủ kỹ thuật, hạn chế tuyệt đối việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang sử dụng thuốc sinh học, thảo dược. Hiện tại, gia đình tôi đang thu hoạch các loại rau ăn lá vụ hè như mồng tơi, rau muống, rau ngót... bán với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, thu lãi khoảng hơn 20 - 25 triệu đồng mỗi vụ".
Còn theo ông Đặng Văn Phúc ở thôn Trung Quan (xã Văn Đức) nhờ sản xuất đúng quy trình và kế hoạch của hợp tác xã, một phần sản phẩm được hợp tác xã đứng ra bao tiêu nên đầu ra ổn định. Số còn lại thương lái đến tận bờ ruộng thu mua. Gia đình ông có hơn một mẫu đất trồng các loại rau theo mùa vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ thu lãi khoảng vài chục triệu đồng.
Nói về quy trình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã Văn Đức, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc, cho biết: Toàn xã có 250ha rau an toàn, trong đó 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP với 1.200 hộ tham gia. Hợp tác xã là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Với quy mô sản xuất rộng lớn, để giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau ngay tại ruộng, hợp tác xã đã thành lập 25 tổ, nhóm thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống bảo đảm có truy xuất nguồn gốc trong sản xuất rau an toàn.
Bên cạnh đó, hợp tác xã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nhằm quản lý, giám sát được chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chủng loại, chất lượng, số lượng theo yêu cầu khách hàng. Với sản lượng đạt hơn 30.000 tấn/năm các loại rau củ, quả... để đầu ra ổn định, hợp tác xã chủ động liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, công ty.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 40 - 50 tấn rau các loại. Trong đó, gần 70% sản lượng tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Đặc biệt, hợp tác xã đang duy trì xuất khẩu 300 - 500 tấn/năm các loại rau: Cải thảo, bắp cải, súp lơ... tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Phấn đấu có thêm 7 - 8 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao
Năm 2019 vừa qua, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức có 7 sản phẩm rau, củ gồm: Bắp cải trắng, lơ xanh, lơ trắng, cải thảo, đậu trạch, cải ngọt, mướp đắng được thành phố Hà Nội cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, thời hạn 36 tháng. Ngoài lơ xanh, các loại sản phẩm còn lại của hợp tác xã được canh tác theo tiêu chuẩn rau an toàn. Dự kiến, năm 2020, xã vẫn giữ vững diện tích rau VietGAP và rau an toàn, doanh thu hằng năm đạt 300 - 350 triệu đồng.
Có được thành quả trên nhờ hợp tác xã thường xuyên nhắc nhở bà con gieo trồng kín diện tích, chú trọng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, người dân chủ động nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới. Về mùa mưa, hợp tác xã cũng kịp thời phòng chống ngập úng, nhất là khi mưa lớn kéo dài. Người dân chỉ tập trung canh tác, tuân thủ đúng quy trình sản xuất, chú trọng sản lượng, chất lượng sản phẩm, giữ vững chữ tín với khách hàng, còn đầu ra đã có hợp tác xã bao tiêu.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, xã Văn Đức là vùng rau nổi tiếng của huyện Gia Lâm. Đất đai màu mỡ, nên rau Văn Đức có độ ngọt cao, đậm đà hơn rau các vùng khác. Ngoài ra, Văn Đức đã canh tác rau VietGAP từ nhiều năm nay, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có sổ ghi chép nhật ký hằng ngày. Vì vậy, khi có chủ trương xây dựng sản phẩm OCOP, người dân không phải mất nhiều thời gian, chỉ việc lấy mẫu rau đi thử nghiệm và đã thành công như ngày nay.
Trong năm 2020, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức phấn đấu có thêm 7 - 8 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Giữ vững diện tích rau VietGAP và rau an toàn. Hiện tại, giá cả 2 loại rau nói trên chênh nhau 10 - 15%.
Đánh giá về mô hình rau an toàn của Văn Đức, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết: “Các hộ dân tham gia sản xuất theo nhóm đều được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tập huấn về cách thức vận hành quản lý theo PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia để kiểm soát theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn), sản xuất rau an toàn, rau VietGAP theo phương pháp FFS, phòng trừ dịch hại IPM...
Bên cạnh đó, mỗi hộ được cấp sổ nhật ký đồng ruộng để cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...). Nhờ đó, sản phẩm rau an toàn Văn Đức chất lượng bảo đảm, có dán nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo được lòng tin của người tiêu dùng, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội