Sau nhiều kỳ giảm, giá xăng dầu tăng trở lại
Kỳ điều hành này, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nhẹ nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng.
Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; Tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; Hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
Trong khi đó, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3 - 11/10) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel.
Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+ (mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá ngày 3 và 11/10/2022 là 91,308 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,132 USD/thùng, tương đương tăng 2,39% so với kỳ trước); 94,235 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,596 USD/thùng, tương đương tăng 1,723% so với kỳ trước; 121,584 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,28 USD/thùng, tương đương tăng 7,309% so với kỳ trước); 133,803 USD/thùng dầu diesel (tăng 14,122 USD/thùng, tương đương tăng 11,8% so với kỳ trước); 401,812 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S.
Ảnh minh họa |
Do vậy, chiều 11/10, liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, dầu diesel tăng 1.980 đồng/lít lên 24.180 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 27 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang mức thấp từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.
Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Đồng thời, nhà điều hành thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi đối với các loại xăng dầu khác.