Sinh viên Điện lực sáng chế buồng khử khuẩn “2 trong 1”
Sinh viên trường Đại học Điện lực làm buồng đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động
Bài liên quan
Cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân "hợp sức" đẩy lùi Covid-19
Kêu gọi sinh viên tình nguyện hiến máu để giảm tình trạng khan hiếm do dịch bệnh
Nhiều đối tượng xấu xuất hiện trong lớp học online: Giáo viên, học sinh lo nơm nớp
Thuận tiện, tiết kiệm nhân lực
Chủ nhân của sản phẩm sáng tạo này là nhóm 5 chàng trai thuộc Câu lạc bộ Robocon trường Đại học Điện lực gồm: Nguyễn Đức Phong, Trần Phương Nam, Phạm Hữu Tốt, Lê Đức Đại Dương và Vũ Hoàng Minh. Nhóm hoạt động dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của thầy Chu Văn Tuấn, Bí thư Đoàn trường.
Theo Nguyễn Đức Phong (sinh viên năm 4 khoa Cơ khí và Động lực, trường Đại học Điện lực) tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới dẫn đến học sinh, sinh viên phải nghỉ học. Việc đo thân nhiệt, khử khuẩn trở thành vấn đề cấp thiết để phòng tránh dịch. Được Đoàn Thanh niên trường gợi ý, nhóm đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm buồng đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động trong vòng một tuần.
“Do dịch bệnh nên hầu hết sinh viên đều về quê. Nhóm chúng mình chỉ có 5 thành viên làm. Ba thành viên phụ trách mảng ý tưởng lắp ráp hoàn thiện cơ khí. Hai thành viên chuyên lập trình thiết kế tủ điều khiển”, Nguyễn Đức Phong cho biết.
Buồng khử khuẩn được nhóm sinh viên thiết kế và hoàn thiện trong một tuần |
Khó khăn khác nhóm bạn trẻ gặp phải là do cách ly xã hội, các cửa hàng không phục vụ nên khó mua nguyên vật liệu. Hơn nữa, thời gian thực hiện sản phẩm không nhiều do các thành viên phải học online ở nhà. Nhóm đã khắc phục bằng việc cố gắng đạt chỉ tiêu công việc hằng ngày để hoàn thành sản phẩm trong thời gian sớm nhất.
So với các sản phẩm khác trên thị trường, buồng khử khuẩn được nhóm bạn trẻ trong Câu lạc bộ Robocon trường Đại học Điện lực làm nhỏ gọn hơn do tận dụng triệt để không gian mà vẫn đem lại hiệu quả cao. Thêm vào đó, nhóm bạn trẻ này còn tích hợp được phần đo thân nhiệt tự động.
“Thay vì cần người trực tiếp cầm máy đo thì người dùng chỉ cần đứng trước buồng đưa trán vào vị trí, máy sẽ tự trả kết quả nhiệt độ. Chiếc máy sẽ giảm được nhân lực là các tình nguyện viên thường phải đứng ở cổng để đo thân nhiệt cho từng người. Điều này sẽ tránh được tiếp xúc gần của người đo với người vào trường”, Trần Phương Nam, thành viên của nhóm giải thích.
Việc đo thân nhiệt cũng diễn ra nhanh chóng mà vẫn cho kết quả chính xác. Người đo chỉ đứng im 2 giây để đo thân nhiệt tự động. Bên cạnh đó, buồng khử khuẩn được nhóm bạn trẻ thiết kế gồm 2 cột phun dung dịch dạng sương ở 2 bên đối diện nhau. Vì thế dung dịch sẽ lan 100% diện tích trong buồng, người vào chỉ việc đứng im là sẽ được khử khuẩn toàn thân.
Học hỏi và sáng tạo
Nhóm bạn trẻ đã tính toán, giá thành một chiếc buồng đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động khoảng 20 triệu đồng. Với nhiều ưu điểm nổi bật, Đoàn Thanh niên trường Đại học Điện lực sẽ đầu tư để lắp đặt sản phẩm trong khuôn viên trường. Điều này sẽ giúp sinh viên an tâm hơn khi quay trở lại giảng đường.
Buồng đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động sẽ giúp sinh viên an tâm hơn khi trở lại trường |
Hiện tại, sản phẩm đã được thử nghiệm tại trường Đại học Điện lực. Bên cạnh đó, nhóm bạn trẻ tiếp tục theo dõi để nâng cấp sản phẩm cho tối ưu và hiệu quả hơn.
“Với mong muốn góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, chúng mình dự định làm thêm các buồng tương tự để phục vụ sinh viên đi học trở lại. Ngoài ra, nhóm cũng đang nghiên cứu dàn khử khuẩn cho cả xe máy, ô tô khi vào trường”, Nguyễn Đức Phong, thành viên của nhóm chia sẻ.
Hiện Phong và các thành viên khác trong nhóm đều sinh hoạt tại Câu lạc bộ Robocon trường Đại học Điện lực. Hoạt động của câu lạc bộ chủ yếu phục vụ các cuộc thi Robocon tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu lạc bộ cũng thực hiện các phong trào, nhiệm vụ do Đoàn Thanh niên trường đề ra.
Với số lượng 20 thành viên, câu lạc bộ thường tổ chức sinh hoạt vào cuối tuần. Đây chính là nơi để các bạn trẻ đam mê công nghệ, sáng tạo, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi. Thời gian này do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các thành viên chủ yếu trao đổi qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…
“Khi tham gia câu lạc bộ, chúng mình học được cách làm việc nhóm, khám phá những phần mềm thú vị mà đôi khi trên giảng không có. Quan trọng hơn, chúng mình được thỏa sức sáng tạo. Đây cũng là nền tảng để chúng mình tạo ra buồng đo thân nhiệt, khử khuẩn tự động và nhiều sản phẩm khác để phục vụ cộng đồng”, Nguyễn Đức Phong tâm sự.