Sinh viên "tắt máy khi dừng đèn đỏ" để giảm bớt ô nhiễm không khí
Chúng ta hãy bắt đầu từ những hành động tích cực bảo vệ môi trường dù là nhỏ nhất như tắt máy xe khi dừng đèn đỏ (Ảnh: Vương Đức) |
Sinh viên lo ngại ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe
Thời gian vừa qua, tình trạng ô nhiễm không khí xuất hiện tại Hà Nội, TP HCM khiến cho nhiều người tỏ ra hết sức lo lắng. Những khối đám mây trắng xóa, bụi mù mịt… không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn có ảnh hưởng đến hệ sinh thái và làm biến đổi khí hậu như mưa axit, suy giảm tần ozon, hiệu ứng nhà kính…
Hà Nội, TP HCM đang trở thành những đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất cả nước. Nhiều thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại hai đô thị này chạm ngưỡng báo động. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đánh giá ô nhiễm không khí trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng.
Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận tính đến tháng 4/2020 cả nước có khoảng 3,76 triệu ôtô, đến hết tháng 5/2020 số ôtô tăng lên 3,79 triệu xe, trung bình một tháng cả nước tăng thêm khoảng 30.000 ôtô và có đến khoảng 45% ôtô, xe máy đang tập trung tại Hà Nội, TP HCM. Riêng Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu xe máy, khoảng 800.000 ôtô, trung bình mỗi tháng số xe máy, ôtô đăng ký mới tăng lên hàng chục ngàn chiếc. Con số này chưa bao gồm lượng ôtô, xe máy vãng lai từ các tỉnh vùng ven đổ về Hà Nội để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá khí thải từ số lượng lớn xe cộ tham gia giao thông, trong đó có hàng triệu xe máy cũ, ôtô quá hạn lưu hành, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, TP HCM hiện nay.
Phân tích về tác hại của loại khí thải từ phương tiện giao thông sử dụng động cơ xăng, dầu, Cục trưởng Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GT-VT) Phạm Tùng Lâm cho hay, đối với hoạt động giao thông, khí thải từ các phương tiện phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Chẳng hạn, tác động từ động cơ diesel sẽ thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng nhưng các động cơ xăng gây phát thải chứa chì. Trong khi đó, động cơ sử dụng diesel không chứa chì, nhưng lại thải ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí.
Theo ông Lâm, các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu như: CO, NOx, SO2, bụi TSP… Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh khác. Đối với hệ hô hấp, môi trường có nồng độ CO cao sẽ gây ngạt thở, trong khi khí NO2 có thể làm giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hóa phổi, diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi. Cả hai loại khí này đều được phát thải chủ yếu từ các phương tiện giao thông.
Trước thực trạng nêu trên, rất nhiều sinh viên đang học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội bày tỏ suy nghĩ về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Chia sẻ về việc này, bạn Bùi Minh Trúc (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1) cho biết: “Điều mà mình cảm nhận rõ nhất trước sự biến đổi của không khí là khi đi ra đường thôi là lớp bụi đã bao phủ hết cả không gian. Đôi lúc mình cảm thấy khó thở và theo như mình được biết, bụi mịn đi thẳng vào máu có nguy cơ gây ung thư”.
Còn tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn Nguyễn Lê Quỳnh Chi - sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K38 chia sẻ: “Mình cảm thấy không khí ở Hà Nội ngày càng tệ đi. Thêm vào đó, tình trạng tắc đường càng khiến cho mọi thứ thêm ngột ngạt. Đây dường như là cảm nhận của hầu hết sinh viên khi nói về không khí ở Hà Nội thời gian gần đây".
Bạn Quỳnh Chi cho biết thêm: “Mẹ mình ở quê xem thời sự và biết được chất lượng không khí ở Hà Nội đang xấu đi nên ngày nào cũng gọi ra để nhắc nhở mình đi đâu thì nhớ đeo khẩu trang. Mẹ còn gửi thuốc xịt mũi ra vì lo mình bị ngạt mũi”.
Cũng chia sẻ sự lo lắng, bạn Ngọc Duy, sinh viên ngành quản lý tài nguyên nước, Đại học Tài nguyên và Môi trường, cho hay: “Trước kia mình chưa nhận thức được về vấn đề bảo vệ môi trường, thậm chí còn có những hành động làm ô nhiễm môi trường. Cho đến khi mình cảm nhận thấy không khí ở Hà Nội và bụi mịn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người như thế nào thì đã phải nhập viện vì viêm đường hô hấp. Giờ đây mình đã nhận ra tầm quan trọng của việc mỗi cá nhân chung tay bảo vệ môi trường, từ đó có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường sống. Không chỉ có vậy, mình sẽ cùng vận động người thân, bạn bè… cùng nhau bảo vệ môi trường sống”.
Giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ điều nhỏ nhất
Theo TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguồn gây ô nhiễm từ xe cá nhân đang được nhận định là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Trong khi phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị chưa phát triển, vì vậy trước mắt phải có giải pháp cấp bách giảm ô nhiễm phát thải từ ôtô, xe máy bằng cách giảm số lượng xe cộ cá nhân thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Trước vấn đề ô nhiễm không khí, nhiều sinh viên cũng đã đề xuất những giải pháp ý nghĩa bằng những hành động nhỏ nhưng góp phần không nhỏ vào giảm thiểu ô nhiễm.
Bạn Hồng Vân, sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tôi nghĩ là để giảm hẳn ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì hơi khó, tuy nhiên có những hành động mà ai cũng có thể làm để giúp cải thiện môi trường sống như sử dụng phương tiện công cộng.
Việc đốt than tổ ong trong thời gian dài có thể gây ra hàng loạt các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ung thư phổi, bệnh về mắt, tim mạch… Nếu người sử dụng đun nấu bằng than tổ ong trong nhà kín, không khí không được lưu thông có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, đau nhức đầu, rối loạn thần kinh cảm giác và điều nhiệt. Việc sử dụng bếp than tổ ong tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người, cũng như ô nhiễm môi trường và an toàn phòng cháy, chữa cháy nên các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn nên hạn chế dùng bếp than tổ ong.
Khi tham gia giao thông chờ đèn đỏ, tôi thường tắt máy khi dừng xe, chỉ với hành động nhỏ như vậy cũng sẽ góp phần giảm thiểu lượng khí thải đáng kể. Hạn chế sử dụng túi nilon, thay vào đó dùng túi vải để có thể sử dụng nhiều lần, không dùng ống hút nhựa sử dụng một lần".
Cũng cùng ý tưởng, bạn Thành Nam - sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Ngoài giờ học, tôi có đi làm thêm, công việc đòi hỏi phải di chuyển liên tục ở ngoài đường. Vì vậy, mỗi khi ra đường tôi phải trang bị kính mắt, đeo 2 lớp khẩu trang để chống bụi. Ngay cả ở nhà, tôi cũng phải trồng thêm một số cây xanh có tác dụng thanh lọc không khí để đặt ngoài sân và ban công”.
Đang tham gia cho một dự án tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bạn Đỗ Minh Khang đang học năm 2 trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Môi trường đang trả lại những gì mà con người đã từng gây ra với chúng. Chúng ta từng vứt rác bừa bãi, từng sử dụng vô tội vạ đồ nhựa thì giờ đây điều mà chúng ta phải nhận lại chính là chất lượng không khí đang ngày càng suy giảm. Những tác hại của nó vô cùng lớn, phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để khắc phục.
Mỗi ngày, con người vô tình có những hành động gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, chất lượng không khí. Vì vậy, ngay bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu từ những hành động tích cực bảo vệ môi trường dù là nhỏ nhất, làm được như vậy, thiên nhiên sẽ sớm “xanh” trở lại".
Để tiến tới mục tiêu đó, các ngành chức năng cần nâng cao công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông xanh đến chất lượng môi trường. Về lâu dài, nước ta cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hướng tới sử dụng phương tiện ít phát thải chạy bằng điện, khí thiên nhiên; coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình khai thác và sử dụng phương tiện.
Đảm bảo chất lượng môi trường đang là vấn đề được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Điều này thể hiện ở việc Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các chính sách, đưa ra nhiều giải pháp, hành động nhằm bảo vệ không khí, nguồn nước, đất đai và môi trường sống an toàn. Trong đó có khuyến khích phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |