Sinh viên thích thú trải nghiệm "Tinh hoa Bắc Bộ"
Sinh viên thời đại mới và sứ mệnh dựng xây đất nước 103 nhân sự Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Sinh viên Thủ đô sẵn sàng “Khi Tổ quốc cần” |
Với Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, cùng với sự bùng nổ trong cảm xúc, niềm tự hào khi được sống lại với dòng chảy lịch sử giúp cô gái trẻ không thể rời mắt trong từng phần của buổi diễn.
Show diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" giúp các bạn sinh viên đến gần hơn với nét văn hóa truyền thống Bắc Bộ |
"Mỗi phần của buổi diễn đều được sắp xếp rất nhịp nhàng, chúng mình ai nấy đều rất tập trung theo dõi và gần như không thể đoán trước được diễn biến. Chưa bao giờ mình thấy lịch sử Việt Nam, những nét văn hóa đặc sắc của đất nước mình lại gần gũi đến như thế. Thời tiết lạnh như vậy nhưng mỗi diễn viên đều hết mình với vai diễn.
Được theo dõi show diễn, mình cảm thấy tự hào lắm. Là một sinh viên Việt Nam tại nước ngoài, mình và các bạn sinh viên tại Thái Lan chắc chắn sẽ cố gắng hết sức mình để đưa những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế", Ngọc Diệp chia sẻ.
Cùng chung sự thích thú khi thưởng thức "Tinh hoa Bắc Bộ", bạn Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh viên tới từ tỉnh Đồng Nai đặc biệt ấn tượng với cách show diễn được ứng dụng màu sắc và công nghệ nhưng vẫn mang lại cảm giác thân thuộc với người xem.
Show diễn được ứng dụng nhiều màu sắc và công nghệ nhưng vẫn mang lại cảm giác thân thuộc với người xem |
"Sau khi xem vở diễn, mình rất ấn tượng với cảnh những người nông dân đi ra từ hai bên cánh gà dưới ánh sáng của mặt trăng, họ đang tát nước, biểu diễn những điệu múa như đang làm việc, thật sự những hình ảnh ấy rất gần gũi và thân thương. Những khía cạnh trong văn hóa Việt Nam, những hình ảnh làng quê được mang đến thật sinh động. Mình cảm thấy rất tự hào khi được xem một chương trình như thế này", Hồng Vân chia sẻ.
"Tinh hoa Bắc Bộ" là show diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Ngay khi được khởi diễn lần đầu tiên năm 2017, chương trình đã tạo nên “cơn sốt” với khán giả và du khách bởi quy mô sân khấu hoành tráng, kỹ xảo hiện đại cùng số lượng diễn viên đông đảo.
Điểm nhấn đặc biệt của "Tinh hoa Bắc Bộ" chính là sân khấu lớn có diện tích lên tới 4.300m2 nằm ngay dưới chân núi chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Các màn trình diễn được hỗ trợ bởi công nghệ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, thiết bị hiện đại, dẫn dắt khán giả bước vào câu chuyện kể thiên nhiên, đời sống tinh thần phong phú của cộng cư người Việt xưa. Yếu tố dân gian truyền thống và tinh hoa văn hóa được tái hiện đã góp phần nâng tầm các giá trị di sản văn hóa (múa rối nước, quan họ, chầu văn…); đồng thời, tạo nên trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về vùng châu thổ sông Hồng - từ thi ca, nhạc họa đến Phật giáo, tín ngưỡng…
Khán giả sẽ đi từ bất ngờ đến thú vị rồi vỡ òa cảm xúc sau khi thưởng thức trọn vẹn 6 phân cảnh trình diễn ấn tượng của các nghệ sỹ cùng những diễn viên đặc biệt là những nông dân chính hiệu Sài Sơn.
Các bạn sinh viên thích thú theo dõi buổi diễn |
Mở đầu là màn "Thi ca" lấy cảm hứng từ những vần thơ trong bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến, bài dân ca “Tát nước đầu đình” và lời ru con Bắc Bộ, phân cảnh đã mở ra một không gian làng quê Việt thật nhẹ nhàng và gần gũi.
Tiếp theo, "Cõi Phật" nói về thiền sư Từ Đạo Hạnh - người sáng lập ra chùa Thầy trước khi tu hành từng là một thầy lang, chuyên chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ mà không lấy tiền. Ông còn dạy Nhân dân cách trồng trọt và các trò chơi dân gian, điển hình là múa rối nước - nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật đậm bản sắc văn hoá Việt.
"Hoài cổ" với với hình ảnh các sĩ tử khăn gói lều chõng đi thi, khắc họa truyền thống hiếu học, văn ôn võ luyện của dân tộc Việt và gợi nhớ về Hoàng thành Thăng Long, được thể hiện trên nền nhạc hào hùng.
"Nhạc họa" tái hiện hình ảnh bốn cô gái trong tranh Tố Nữ hàng Trống biểu diễn các loại nhạc cụ khác nhau trong âm nhạc truyền thống Việt Nam bao gồm: Sáo, đàn tỳ bà, đàn nhị và đàn nguyệt. Đây là phân cảnh được coi là thời khắc đẹp nhất vở diễn, đặc biệt giữa khung cảnh những tiên nữ ùa vào sân khấu và thể hiện các điệu múa uyển chuyển trên mặt nước.
Buổi diễn mang lại những cảm xúc ấn tượng đối với nhiều bạn sinh viên |
"An vui" mô phỏng cảnh hầu đồng (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới) xuất phát từ tín ngưỡng thờ Thánh mẫu đệ Tam và tín ngưỡng Đạo Mẫu - vị thánh cai quản các vùng nước non giúp cho nền nông nghiệp và đời sống nhân dân gặp nhiều thuận lợi.
"Ngày hội" là phân cảnh cuối cùng trong show diễn tái hiện chân thực cảnh ngày hội quê hương thông qua các làn điệu đối đáp dân ca quan họ, các trò chơi dân gian mà thời nay hiếm thấy đến tụ rước kiệu Song Loan, Song Đình. Bài hát “Người ơi người ở đừng về” được cất lên cuối vở diễn là lời chào tạm biệt gây nhiều cảm xúc lưu luyến đối với khán giả.
Đầu tháng 6/2018, show diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" đã nhận giải Vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương (giải thưởng thường niên dành cho cộng đồng doanh nghiệp; được tờ New York Post (Mỹ) ví như hệ thống giải Oscar dành cho giới kinh doanh với hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan”; tổ chức Guinness Việt Nam trao bằng xác lập 2 kỷ lục là “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam”.