Số ca mắc COVID-19 cộng đồng và tử vong có xu hướng tăng
Ngày 9/12, Hà Nội ghi nhận 704 ca bệnh COVID-19 trong đó 222 cộng đồng Ngày 8/12, Hà Nội ghi nhận 709 ca bệnh COVID-19, trong đó 243 cộng đồng |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Ban Chỉ đạo quốc gia triệu tập cuộc họp trực tuyến toàn quốc để đánh giá tình hình, phân tích các nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp mục tiêu cho thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã thống nhất cách làm, mục tiêu, lộ trình thực hiện, triển khai các giải pháp một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào một số vấn đề: Tình hình dịch bệnh; kinh nghiệm, bài học trong thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Việc thực hiện chiến lược vắc xin, tiêm vắc xin; Việc chuẩn bị và cung ứng thuốc điều trị; Bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch; Việc khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; Vấn đề mở cửa lại trường học.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp |
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần, số mắc cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành phố).
Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vắc xin do thời tiết chuyển mùa đông - xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới.
Đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vắc xin phòng COVID-19; Đã tiếp nhận 156,4 triệu liều; Đã phân bổ 143,4 triệu liều (còn khoảng 13 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng).
Cả nước đã tiêm được 131 triệu liều; tỉ lệ bao phủ mũi 1 ít nhất là 96,4% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 76,5% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 57 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi (đã tiêm được 6,4 triệu liều); Tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều là 57,3% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 12,7% dân số từ 12-17 tuổi.