Tag

Sửa đổi bổ sung khung pháp lý để ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã

Chung tay vì an toàn thực phẩm 27/10/2020 10:00
aa
TTTĐ - Cùng với việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật, thời gian gần đây Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực tổ chức thực thi pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Ngăn chặn tình trạng buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã Nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã
Sửa đổi bổ sung khung pháp lý để ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã
Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xét xử vụ án các bị cáo “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Nhận thức được sự quan trọng của công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã, từ những năm 1990 đến nay, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, buôn bán các loài động vật hoang dã. Tuy vậy, việc thực thi cam kết chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về đa dạng sinh học (CBD). Đây là những cam kết quốc tế quan trọng đầu tiên về bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia.

Để thực hiện có trách nhiệm các cam kết trên, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, buôn bán các loài động vật hoang dã thuộc các phụ lục của CITES và được Ban Thư ký CITES quốc tế xếp vào loại 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2018).

Hiện hệ thống các văn bản pháp luật về động vật hoang dã của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2018.

Đáng chú ý là Bộ Luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190).

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có 2 điều quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Theo đó, các điều này đã định khung hình phạt, đồng thời tăng nặng mức hình phạt hình sự.

Cụ thể, hình phạt tiền đã được tăng lên gấp 4 lần (tối đa 2 tỷ đồng đối với cá nhân so với 500 triệu đồng trong Bộ luật Hình sự 1999 và 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm đối với pháp nhân trong khi Bộ luật Hình sự 1999 không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân) và hình phạt tù được nâng lên gấp 2,5 lần (tối đa 15 năm tù giam, so với 7 năm trong Bộ luật Hình sự 1999).

Những thay đổi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã vì thực tiễn chỉ ra rằng việc áp dụng các chế tài hình sự nghiêm khắc sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, qua đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong những năm qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) rất quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và giám sát việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực này. Năm 2018, UBTP đã phối hợp với Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Tiếp đó, năm 2019, UBTP lại phối hợp với Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã WCS tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm tại 6 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Đăk Nông và Lâm Đồng).

Theo UBTP Quốc hội, công tác phòng ngừa vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm về cơ bản đã được chính quyền và các cơ quan chức năng các địa phương quan tâm bằng việc ban hành nhiều bản kế hoạch liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm về cơ bản đã được các cơ quan Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời nên số vụ phát hiện, xử lý còn ít. Số vụ vi phạm bị xử lý hình sự chưa nhiều, chủ yếu là xử lý hành chính.

Công tác cứu hộ, bảo quản vật chứng là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm tuy được các địa phương quan tâm nhưng có nhiều khó khăn vướng mắc cả về cơ chế và tổ chức thực hiện pháp luật. Phần lớn động vật hoang dã do bị bẫy, bắn, đánh thuốc, thậm chí có loài như tê tê còn bị nhồi bột đá để tăng trọng lượng nên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ thì hầu hết chúng đều có thể trạng rất yếu, nếu không có phương tiện chuyên dùng, nhân viên cứu hộ có năng lực thì khả năng cứu sống rất hạn chế. Bên cạnh đó, cả nước chỉ có vài trung tâm cứu hộ động vật hoang dã lại ở rất xa nên việc vận chuyển đến nơi cứu hộ cũng ít khi làm được.

Hầu hết các tỉnh không có tổ chức giám định về mặt khoa học, một số địa phương chỉ có người giám định tư pháp theo vụ việc; việc giám định chủ yếu bằng kinh nghiệm; giám định khoa học (AND) chủ yếu phải đem đến giám định tại Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam ở Hà Nội. Vì thế việc đưa tang vật đi giám định gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản, phương tiện vận chuyển; chi phí giám định lớn trong khi kinh phí điều tra vụ án còn hạn chế.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý

Song song với việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực tổ chức thực thi pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Tuy nhiên, theo UNDOC, các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy, Việt Nam cần rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách nhằm loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Cụ thể, hiện một số quy định phát luật còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã… Hơn nữa, sự hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin, điều tra, bắt giữ giữa các cơ quan thực thi pháp luật còn hạn chế (gồm quy trình lấy mẫu AND phục vụ công tác giám định, so sánh mẫu vật tìm ra nguồn gốc, xuất xứ…).

Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì dự thảo. Dự thảo được đánh giá đã có nhiều tiến bộ nhằm giúp đơn giản và đồng bộ hóa các quy định của pháp luật cùng quy định về động, thực vật hoang dã ở Việt Nam.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định đã hướng tới việc đảm bảo thống nhất và đồng bộ không chỉ với pháp luật Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản và đa dạng sinh học, phù hợp với những quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) giúp quá trình áp dụng pháp luật được công khai, minh bạch và công bằng.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Đồng thời cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động về giảm nhu cầu, tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thông qua việc cung cấp kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi và khuyến khích các tiêu chuẩn xã hội mới về không khoan nhượng đối với việc tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã trái phép.

Thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015 về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm với những nội dung cụ thể sau đây: Hướng dẫn cụ thể thế nào là cá thể, thế nào là bộ phậnbộ phận nào là bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật, vì trong thực tế còn có cách hiểu rất khác nhau của các cơ quan chức năng; cần quy định về số lượng từng cá thể động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm bị săn, bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán để định khung hình phạt, nhất là trong trường hợp nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả chim, thú, bò sát thì xử lý như thế nào.

Cơ quan chức năng cần quy định trọng lượng làm cách tính cho bộ phận và sản phẩm của tất cả động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Quy định hiện hành mới chỉ được cụ thể hóa cho sừng tê giác, ngà voi, hổ. Vậy nếu là bộ phận, sản phẩm các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm khác thì sẽ tính thế nào, có định giá hay không định giá bộ phận, sản phẩm này?; cần quy định rõ thời gian bị cấm săn bắt động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm là thời gian nào (trong thực tế, mùa sinh sản, tập quán di cư của các loài động vật khác nhau cũng rất khác nhau); quy định cụ thể phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản là những phương tiện, ngư cụ nào?

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2015 về xử lý vật chứng là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Theo cách làm hiện nay, nếu đợi đến khi có kết quả xét xử của Tòa án thì phần lớn vật chứng là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã chết hoặc suy kiệt khó có thể trả về môi trường tự nhiên; với vật chứng là bộ phận cơ thể của động vật thì việc bảo quản cũng rất khó khăn, tốn kém. Mặc dù vấn đề này BLTTHS năm 2015 đã quy định “d) Vật chứng là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lỷ chuyên ngành có thẩm quyền xử lỷ theo quy định của pháp luật” (điểm d, khoản 3 Điều 106), tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều khó khăn, bất cập như vừa nêu ở trên. Nếu theo quy định trên của BLTTHS năm 2015 thì thời điểm xử lý vật chứng đối với động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm là ngay sau khi có kết luận giám định. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản nào quy định cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với tang vật là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, nên rất khó khăn trong việc bàn giao vật chứng. Vì vậy, để quy định này có thể thực hiện trên thực tế, cần phải có hướng dẫn cụ thể.

Trường hợp các cơ quan chức năng bắt được tang vật là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm còn sống cần thực hiện theo quy định tại Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiêp và phát triển nông thôn quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước và theo hướng cho phép các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức giám định, sau đó chuyển cho cơ quan quản lý chuyên ngành để tái thả vào rừng hoặc giao cho các cơ quan cứu hộ sớm nhất. Trong trường hợp là sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thì sau khi giám định, cho phép chuyển giao cho cơ quan khoa học, trường đại học làm mẫu nghiên cứu hoặc cho phép tiêu hủy sớm để tránh gây ô nhiễm, tốn kém trong việc quản lý các sản phẩm và bộ phận đó.

Luật Giám định tư pháp quy định khá rõ về thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập và công bố danh sách về người giám định tư pháp theo vụ việc về động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm nhưng qua khảo sát thấy hầu hết các địa phương không chủ động thực hiện quy định này. Việc tại địa phương không có người làm công tác giám định thuộc lĩnh vực này dẫn đến hệ quả là khi có vụ việc xảy ra trên địa bàn, cơ quan tư pháp phải trưng cầu giám định ở các cơ quan giám định trung ương, vừa xa xôi, vừa tốn kém; thậm chí khi có kết quả giám định thì động vật hoang dã đã chết… Vì vậy đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chủ động lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc về động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Lực lượng này có thể lấy từ những người đã từng hoạt động trong lĩnh vực này có chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế đang cư trú ở địa phương.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm:

Qua làm việc với các cơ quan hữu quan, có thể nói về địa bàn, quy luật của tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm đã được các cơ quan chức năng nắm khá chắc. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị mà thôi. Vì vậy, đề nghị trong thời gian tới, cơ quan kiểm lâm và các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm tốt một số yêu cầu sau đây: Cần xác định cụ thể các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm. Theo đó, cần tập trung các tuyến cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn lối mở qua biên giới; các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và trong thị trường nội địa; các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam định cư, công tác, du lịch tại các nước châu Phi, để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh xử lý với các loại tội phạm.

Cơ quan chức năng, cần tổ chức đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi từ các nước châu Phi; khi có vụ việc xảy ra trên địa bàn, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra đối với các vụ án vi phạm về bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, nhanh chóng thu thập tài chứng cứ để chứng minh tội phạm, phối hợp với các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm trước pháp luật.

Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, An ninh hàng không, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, INTERPOL, ASEAN-WEN… để kịp thời trao đổi thông tin về các đối tượng, đường dây, tổ chức có biểu hiện hoạt động mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Phối hợp với các cơ quan ngoại giao, cơ quan Cảnh sát các nước và các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức và tham gia các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Tham gia và tổ chức các hội thảo, tập huấn luật pháp quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, chiến thuật điều tra các tội phạm về buôn bán trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Nhà nước cần tăng cường ký kết hiệp định tương trợ tư pháp và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các quốc gia khác trên thế giới trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những người sống gần các khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắn, bắt, bẫy các loài động vật hoang dã – đây là giai đoạn khởi đầu của việc buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã.

Ngoài ra, cần có những hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, góp phần bảo tồn nguyên vị các loài hoang dã.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việt Nam từng bị một số tổ chức quốc tế nhìn nhận là một “điểm trung chuyển” trong chuỗi buôn bán ĐVHD, nhất là đối với các loài hổ, gấu, tê giác.

Tuy nhiên với nỗ lực từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách đến thực hiện đồng bộ các giải pháp của Việt Nam, việc ngăn chặn đường dây buôn bán xuyên quốc gia ĐVHD bất hợp pháp đã phát huy hiệu quả. Việt Nam đã từng bước ngăn chặn từ xa hoặc cắt đứt tại chỗ các luồng buôn bán bất hợp pháp, tạo được chuyển biến rõ nét, giảm cả về số lượng và quy mô của các điểm nóng.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trường Tổng cục Lâm nghiệp, nhìn nhận: Về cơ bản, việc phối hợp liên ngành là tốt, dựa trên tinh thần trách nhiệm cao. Điều này được thể hiện qua nhiều vụ bắt giữ, xử lý vi phạm về ĐVHD đều có sự tham gia của các lực lượng liên ngành. “Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin giữa các ngành chưa thực sự nhịp nhàng; có sự chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành; quan điểm, mức độ ưu tiên trong việc xử lý loại hình vi phạm này có khi còn khác nhau”, ông Điển nhấn mạnh.

Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện bảo tồn bằng cách ngăn chặn buôn bán, săn bắn trái phép ĐVHD nhưng cũng đã có những biện pháp duy trì các loài đã gây nuôi thành công. Nhìn nhận về quan điểm “Cấm tuyệt đối kinh doanh tiêu thụ sử dụng các loài hoang dã”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng cần phải rất thận trọng, vì hiện có nhiều loài hoang dã chúng ta đã gây nuôi thành công. Bản thân Công ước CITES cũng cho phép buôn bán trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ, ví dụ đối với cá sấu, ba ba, hươu, nai…

Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin thêm: “Để tăng cường quản lý ĐVHD, theo đúng quy định pháp luật và tôn chỉ của bảo tồn, Bộ NN&PTNT đã trình với Thủ tướng và sẽ ban hành trong thời gian tới một chỉ thị xác định rõ việc cương quyết đấu tranh với các hành vi buôn bán, săn bắt ĐVHD tự nhiên”.

* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”

Đọc thêm

Hơn 80 cư dân chung cư tại TP Vinh nghi bị ngộ độc Chung tay vì an toàn thực phẩm

Hơn 80 cư dân chung cư tại TP Vinh nghi bị ngộ độc

TTTĐ - Hơn 80 cư dân sống tại chung cư Golden City 3, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn mửa và tụt huyết áp, nghi ngờ ngộ độc nước, trong đó có 4 trường hợp nặng phải nhập viện.
Các trường tạm dừng sử dụng sữa Núi Tản Ba Vì để chờ cơ quan chức năng kết luận Chung tay vì an toàn thực phẩm

Các trường tạm dừng sử dụng sữa Núi Tản Ba Vì để chờ cơ quan chức năng kết luận

TTTĐ - Sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết đã chủ động đề nghị các trường họp với đại diện phụ huynh tạm dừng sử dụng sữa Núi Tản Ba Vì để chờ kết luận chính thức.
Hà Nội: Nhiều trường học tạm dừng sử dụng sữa Núi Tản Ba Vì Chung tay vì an toàn thực phẩm

Hà Nội: Nhiều trường học tạm dừng sử dụng sữa Núi Tản Ba Vì

TTTĐ - Sau khi nhận phản ánh của phụ huynh về chất lượng, nhiều trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã quyết định tạm dừng cho trẻ uống sữa Núi Tản Ba Vì...
Huyện Mê Linh truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm trường học Chung tay vì an toàn thực phẩm

Huyện Mê Linh truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm trường học

TTTĐ - Thời gian qua, huyện Mê Linh đã yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học Chung tay vì an toàn thực phẩm

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học

TTTĐ - Các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh.
Quận Ba Đình diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc Chung tay vì an toàn thực phẩm

Quận Ba Đình diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc

TTTĐ - Sáng 25/9, UBND quận Ba Đình, Hà Nội, tổ chức diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.
Quan tâm chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học Chung tay vì an toàn thực phẩm

Quan tâm chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học

TTTĐ - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Hà Nội) tổ chức truyền thông, tư vấn dinh dưỡng cho các em học sinh, phụ huynh, người chăm sóc bữa ăn chính cho gia đình tại trường Tiểu học La Thành.
Phòng chống thừa cân, béo phì trẻ em tại các trường tiểu học Chung tay vì an toàn thực phẩm

Phòng chống thừa cân, béo phì trẻ em tại các trường tiểu học

TTTĐ - Đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) về triển khai thực hiện các hoạt động mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tại trường tiểu học.
Phát hiện thêm một trường hợp mắc liên cầu lợn Chung tay vì an toàn thực phẩm

Phát hiện thêm một trường hợp mắc liên cầu lợn

TTTĐ - Ngày 23/9, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn là cụ ông 77 tuổi (huyện Đan Phượng).
Thực hiện giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm Chung tay vì an toàn thực phẩm

Thực hiện giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm

TTTĐ - Để sớm ổn định đời sống người dân, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nước sinh hoạt... sau mưa lũ.
Xem thêm