Tận dụng nguồn rác thải nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường nông thôn
Hình thành thói quen phân loại rác của người dân
Sản xuất nông nghiệp đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các loại rác thải hữu cơ. Ngay cả với rác thải sinh hoạt, nguồn rác hữu cơ cũng chiếm tỷ trọng lớn.
Rác hiện nay được phân thành 3 loại gồm: Chất thải tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác. Người dân vẫn có thói quen để chung tất cả các loại rác thải rắn sinh hoạt. Trong khi việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích.
Cụ thể, chất thải tái chế có thể dùng để bán cho các cơ sở tái chế; Chất thải thực phẩm có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ. Nếu thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng nguồn rác thải tái chế, rác thải hữu cơ, lượng rác còn lại cần thu gom, xử lý sẽ giảm rất nhiều.
Tại Hà Nội, mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn nhiều năm qua được triển khai khá hiệu quả. Điển hình tại huyện Đan Phượng, theo bà Trần Thị Việt Mỹ, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng có lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 88 tấn/ngày. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ chiếm 50%-54%; nilon, nhựa chiếm 11.5%-14.5%... Việc thu gom, vận chuyển và xử lý luôn được các cấp các ngành của huyện quan tâm, cộng với ý thức, sự tham gia tích của Đan Phượng được xanh - sạch - đẹp.
Mô hình "Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường |
Từ những tháng đầu năm nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) thí điểm phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm giảm rác thải sinh hoạt tại 4 xã: Trung Châu, Thọ Xuân, Đồng Tháp, Thượng Mỗ. Tham gia làm mô hình thí điểm có 200 hộ gia đình thuộc 4 xã trên (mỗi xã là 50 hộ tiêu biểu nòng cốt). Đến nay, mô hình đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Ông Hoàng Văn Thân, Bí thư Chi bộ thôn Tiến Bộ, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng chia sẻ, việc làm này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành thói quen phân loại rác, tái chế rác xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp tại các vùng nông thôn của huyện.
Được hội nông dân triển khai mô hình từ tháng 2, phân loại rác thải tại nguồn, gia đình ông Thân đã thay đổi thói quen của mình bằng cách phân loại rác thải ngay tại nhà. Những gì thuộc rác thải hữu cơ ông mang ủ lấy phân bón cho vườn bưởi nhà mình. Các loại rác thải vô cơ được ông thu gom đúng nơi quy định vừa sạch nhà, đẹp ngõ, cây cối lại có nguồn phân bón an toàn, bảo đảm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ cho biết, xã Thượng Mỗ hiện có 8 thôn, trong đó có 3 thôn đã triển khai làm điểm mô hình phân loại rác hữu cơ, 1 ngõ làm điểm phân loại rác thải tại nhà như thế này nhằm lấy nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Người dân rất hào hứng với mô hình này bởi bản thân họ cũng mong muốn nguồn rác được xử lý ngay tại nhà, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường sống.
Giữ gìn môi trường sống trong lành đáng sống
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng chia sẻ, việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân cần có quá trình và khi người dân nhận thấy lợi ích từ những mô hình như thế này sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia. Hội nông dân huyện Đan Phượng hiện đang triển khai điểm tại 4 xã, phấn đấu đến năm 2025 có 100% hội viên nông dân thu gom và phân loại rác thải tại nguồn.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào phân loại rác thải và xử lý rác tại nhà trên địa bàn toàn huyện, Hội nông dân huyện Đan Phượng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Phòng Tài nguyên môi trường huyện… tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nhà và sử dụng chế phẩm vi sinh biến rác thải hữu cơ thành phân bón.
Hướng dẫn cách pha chế chế phẩm sinh học và ủ rác thải hữu cơ cho người dân |
Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, trong những năm gần đây, để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch và xử lý chất thải, phế phẩm nông nghiệp, huyện đã tăng cường hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ. Đồng thời khuyến khích tổ chức, hộ gia đình áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng để giúp thân thiện với môi trường. Từ đó cũng góp phần cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); Cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%) và đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (khoảng 4%).
Vì vậy, để chủ động ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền yêu cầu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng không đúng quy định.
Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường nông thôn, tránh làm hoai phí nguyên liệu hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên... để đẩy mạnh hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Đồng thời, khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Có thể thấy, từ một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, từ sự chung tay góp sức của các hội viên nông dân, của bà con thôn xóm… những việc làm tích cực, mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn đang được lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần giữ gìn môi trường trong lành, đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô. "Gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô" đã không còn là câu khẩu hiệu mà đã trở thành ý thức của mỗi người dân vì chính cuộc sống của mình và gia đình, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ gìn môi trường sống trong lành đáng sống.