Tân sinh viên thế hệ Z- Thế hệ làm chủ công nghệ
Tặng học bổng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia 2019
Bài liên quan
“Z - Thế hệ làm chủ công nghệ”
Sôi động “Chào Ngoại ngữ 2019”
Đại học Sư phạm 2 “Chào tân sinh viên k45”
Con người đang hàng ngày nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết từ những vấn đề nhỏ nhất trong đời sống xã hội. Công nghệ hiện hữu trên mọi lĩnh vực, thậm chí đang dần thay thế con người trên thị trường lao động.
Thế hệ Z - những bạn trẻ trong độ tuổi từ 1996 - 2012, sẽ phải trang bị cho mình những kĩ năng, kiến thức công nghệ nhằm gia tăng sự cạnh tranh cho bản thân ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường.
Theo diễn giả Đinh Trường Giang - người vừa đạt Giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức 2019: “Những gì thầy cô trong trường đại học trao cho bạn là chưa đủ, không một giáo trình, tài liệu nào cập nhật kịp thời vô vàn những xu hướng phát triển mới bên ngoài kia và môi trường cạnh tranh gay gắt không có chỗ cho những tư duy cũ kĩ.
Ở thời đại mà robot đang thay thế hàng trăm nghìn lao động mỗi năm thì bạn sẽ là ai khi bước ra thế giới nếu bạn không chủ động nắm bắt xu hướng, không chủ động tiếp cận tri thức? Ở mọi ngành nghề, sự cạnh tranh giữa người với người, giữa người với robot đòi hỏi chúng ta càng ngày càng phải ‘khôn’ hơn, nhiều kĩ năng hơn, tích lũy tri thức ở tâm cao hơn, đặc biệt là về công nghệ và ngôn ngữ”.
Cũng theo bạn Trường Giang, 4 yếu tố giúp các Z-ers trở thành công dân toàn cầu đó là: Khả năng ứng dụng công nghệ, khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, kĩ năng mềm và sự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.
Diễn giả Lê Công Thành cho rằng, Việt Nam có chủ quyền trên bản đồ địa lý và cũng có bờ cõi 4.0 mà thế hệ Z sẽ là những người làm chủ công nghệ để kìm hãm việc bị “đô hộ số” và bảo vệ cõi ấy.
Anh Thành chia sẻ, 80% phần mềm chúng ta sử dụng là do người nước ngoài cung cấp. Có nghĩa là họ đang ghi nhận lại toàn bộ dữ liệu của chúng ta. Họ đang hiểu chúng ta hơn cả chính bản thân chúng ta và rồi đến lúc họ sẽ điều phối hành vi chúng ta thông qua mạng internet.
“Vậy để bảo vệ bờ cõi 4.0, thứ nhất, hãy giải phóng dữ liệu bằng cách ủng hộ cho những phần mềm của Việt Nam. Thứ hai, hãy mở rộng bờ cõi bằng cách học tập làm chủ công nghệ, nỗ lực tìm hiểu nhu cầu thực tiễn trong xã hội để phát minh thật nhiều. Chỉ khi phát minh, sáng chế thật nhiều phần mềm Việt Nam, các bạn mới giữ được dữ liệu người Việt trong tay người Việt”, anh Thành nói.
Chào tân sinh viên 2019 đã mang tới cho các bạn sinh viên một bức tranh toàn cảnh về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm trong tương lai gần, đặc biệt là ưu thế của nguồn lực có kiến thức và có khả năng sử dụng công nghệ. Từ đó, các bạn cần chủ động trong học tập và trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng cần thiết ngay từ bây giờ, để khi ra trường, các bạn tự tin hơn và mở ra nhiều cơ hội hơn, sẵn sàng bước vào sân chơi toàn cầu hóa.