Tăng cường hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm từ gốc
Phạt 19 cơ sở hành nghề y, dược, an toàn thực phẩm Đình chỉ bếp ăn khiến 127 công nhân ngộ độc thực phẩm Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ các chợ dân sinh |
Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm
Công tác hậu kiểm giúp ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Cơ quan chức năng kiểm tra ATTP tại một siêu thị trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội |
Trước đó, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-BCĐCTATTPTP triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo Kế hoạch, năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố tổ chức 2 đợt kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Đối với hậu kiểm chuyên ngành tập trung hậu kiểm thuộc các lĩnh vực: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Riêng tuyến quận, huyện, thị xã thì căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã để chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm.
Hoạt động hậu kiểm chú trọng đến: Công tác bảo đảm chất lượng thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm; trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thực hiện kế hoạch của thành phố, nhiều địa phương đã chủ động triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm tại địa bàn. Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Sóc Sơn và 26 xã, thị trấn đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 365 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó phát hiện 36/365 cơ sở có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, 26 xã, thị trấn đã tịch thu, tiêu hủy 80 lít rượu, 305 gói bánh kẹo, 40kg xương ống đùi gà, 55kg móng heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá khoảng 14,6 triệu đồng.
Tương tự, tại huyện Ba Vì, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra được 1.314 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 42 cơ sở, với số tiền 268 triệu đồng.
Kiên quyết xử lý triệt để vi phạm
Từ nay đến cuối năm 2024, để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh tái diễn vi phạm, cùng với việc xử lý nghiêm, tăng cường hậu kiểm, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguyên liệu thực phẩm nhập vào phải bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đoàn kiểm tra kiểm tra hoạt động lưu mẫu thực phẩm tại bếp ăn Trường TH Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội |
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành. Sở yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện ATTP của các cơ sở, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP.
Chi cục ATVSTP TP phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nắm bắt thông tin sự cố ATTP, ngộ độc thực phẩm để kịp thời điều tra, xử lý, khắc phục sự cố, kết luận nguyên nhân.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với Chi cục ATVSTP TP Hà Nội điều tra, lấy mẫu, xử lý đối với các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm liên quan tới nước ăn uống, nước sinh hoạt.
Các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội thực hiện tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân liên quan đến ngộ độc thực phẩm, sự cố ATTP; lấy mẫu bệnh phẩm (phân, nước tiểu, chất nôn...) để phục vụ công tác xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, đồng thời báo cáo ngay về Sở Y tế, Chi cục ATVSTP Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định.
Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các trung tâm y tế phối hợp phòng y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý ATTP trên địa bàn. Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao kiến thức, thực hành phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị giám sát chủ động các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; giám sát, xử lý các trường hợp nghi ngờ sự cố ATTP theo quy định của Bộ Y tế.