Tăng cường kiểm tra, xử phạt hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm
Mới đây, ngày 22/10, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10 phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn kiểm tra hàng hóa chứa đựng trong 2 kiện hàng tại khu vực đỗ xe trả hàng hóa nội địa kho hàng hóa ACSV thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài.
Kết quả, lực lượng QLTT phát hiện có 376 chiếc điện thoại di động iPhone các loại như iPhone 11, iPhone XR, iPhone X, IPhone 8, iPhone 7, iPhone 6s do nước ngoài sản xuất, đã qua sử dụng, không rõ chất lượng.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Văn Phượng là người vận chuyển thuê hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại cơ sở sản xuất, gia công quần áo ở Khu công nghiệp Ninh Hiệp |
Tiếp đó, ngày 3/11, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 - Tổng cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang – Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sử dụng máy may, máy vắt sổ để may sản xuất quần áo có gắn các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci… (thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại Châu Âu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam).
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 124.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn vật mang nhãn hiệu, 35 kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên.
Không lâu sau đó, ngày 6/11, Đội Quản lý thị trường số 1, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 - Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 120 ngõ 97 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang tàng trữ 1.537 sản phẩm là máy hút thuốc lá, phụ kiện, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm này, các hàng hóa bị trà trộn tập trung ở các nhóm sản phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, bột ngọt, các mặt hàng điện tử, điện lạnh…
Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới vào các sản phẩm trong nước, ngoài nước có uy tín, thương hiệu nổi tiếng như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Châu Âu... nhằm lừa dối khách hàng. Hoạt động này với quy mô và số lượng lớn có dấu hiệu gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.
Đáng lưu ý, tình hình dịch Covid-19 khiến cho thị trường vật tư y tế gặp nhiều biến động khiến nhiều đối tượng chạy theo lợi nhuận tổ chức, sản xuất giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm vật tư y tế của các doanh nghiệp uy tín gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư y tế (Ảnh minh họa) |
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ với 1.040 vụ; Số tiền phạt hành chính: 12.184.688.000 đồng; Trị giá hàng vi phạm: 10.360.849.000 đồng.
Đáng lưu ý, trong một số vụ việc hàng giả mà lực lượng Qquản lý thị trường Hà Nội vừa qua kiểm tra cho thấy, một số đối tượng đã móc nối giữa cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả hoặc lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, trà trộn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Điển hình như vụ hệ thống cửa hàng Khaisilk (Công ty TNHH Khải Đức) bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam; Hệ thống cửa hàng thời trang Seven.AM (Công ty CP MHA) bán quần áo Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam; 1,8 triệu tấn nhôm (Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam) ghi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam là những vi phạm điển hình.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, những tháng cuối năm 2020 và Tết Tân Sửu, lực lượng chức năng TP sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng; Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người tiêu dùng có ý thức, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc, hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - hàng giả, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Ông Hùng cũng khẳng định, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng lậu, hàng giả gắn liền với mục tiêu ổn định kinh tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong thời điểm cuối năm.