Tăng cường xử lý hàng giả, hàng lậu trước Tết Trung thu
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến phức tạp Tấn công mạnh tội phạm buôn lậu, hàng giả trên địa bàn Thủ đô Kiểm tra trên 5.000 vụ, thu nộp ngân sách hơn 96 tỷ đồng |
Xử lý hơn 2.200 vụ vi phạm
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, trong tháng 7/2024, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.311 vụ, xử lý 2.211 vụ vi phạm, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 199 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 152 vụ, gian lận thương mại 1.860 vụ.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố 14 vụ, đối với 27 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 276,973 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi 175,141 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng giả, kém chất lượng tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội |
Điển hình, ngày 9/7, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) phát hiện hơn 50.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, Mamacos, O-zone... do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu hết hạn sử dụng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, mặc dù lực lượng chức năng đang quyết liệt kiểm tra kiểm soát thị trường nhưng tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài vẫn tiềm ẩn phức tạp.
Lực lượng Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện các vụ việc vận chuyển ma túy, cần sa từ nước ngoài về Việt Nam. Trên địa bàn nội địa, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản xuất và kinh doanh hàng giả, vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, vi phạm về an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận như tẩy xóa hạn sử dụng, kéo dài thời hạn sử dụng vẫn còn xảy ra.
Trong tháng 8/2024, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu có thể diễn biến phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng chức năng cần triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hơn.
Sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp với thực tế
Theo Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đỗ Hồng Trung, hiện thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng hiện nay trong công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập từ việc định danh người bán hàng thông qua thuê bao điện thoại. Đến thời điểm này số lượng thuê bao chưa định danh được còn rất lớn, điều này đã gây khó khăn không nhỏ trong việc ngăn chặn hiện tượng buôn bán hàng lậu qua thương mại điện tử.
Trong tháng 8, hàng lậu, hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu có thể diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa) |
“Thực tế chống hàng lậu thời gian qua cho thấy tại các nhóm buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội Facebook, Zalo thì chủ thể kinh doanh tận các tỉnh miền núi, không ở Hà Nội nên khó có thể truy bắt. Đề nghị Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương), bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc những giao dịch từ người bán qua đó bảo đảm tốt nhất về chất lượng sản phẩm, quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Trung đề xuất.
Để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này.
Hiện, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng tăng nặng đối với những trường hợp buôn bán vận chuyển hàng lậu.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2024, để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các lực lượng chức năng TP Hà Nội tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào thị trường nội địa.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Sở Công thương, Cục thuế Hà Nội kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, Sở Công thương Hà Nội nghiên cứu đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho các ban quản lý chợ kiểm soát, giám sát chặt chẽ đầu vào hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.