Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trong tình hình mới
Hà Nội: Nới lỏng giãn cách nhưng không để gia tăng vi phạm nồng độ cồn Uống một chén rượu, "dính" phạt nồng độ cồn Mới nới lỏng hoạt động kinh doanh, nhiều "ma men" vi phạm "kịch khung" |
Muôn kiểu lý do giải thích khi đo cồn
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) phân tích, vào thời điểm toàn xã hội chung tay phòng, chống dịch nhưng hiện tượng sử dụng bia rượu vẫn còn. Qua thực tế nhận thấy, khu vực nội thành gần như không xảy ra tình trạng uống bia rượu do hàng quán đóng cửa, công sở tuyên truyền nghiêm túc tác hại của rượu bia. Ở khu vực ngoại thành vẫn còn hiện tượng cả nể mời nhau chén rượu, cốc bia trong bữa tiệc cưới, tang gia, mừng thọ hay bạn bè lâu ngày gặp lại...
Tại ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn, các chiến sĩ Đội CSGT số 5 liên tục phải làm việc dưới nhiệt độ nắng nóng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông |
Là người từng trực tiếp xử lý nhiều trường hợp được coi là “ca khó” trên thực tế, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết, khi kiểm tra nồng độ cồn đã xuất hiện nhiều hiện tượng “chí phèo”, từ không hợp tác với lực lượng chức năng cho đến viện đủ lý do như đau bụng, nhà có việc… thậm chí nhiều trường hợp còn có hành vi dùng điện thoại cá nhân quay và vu khống tổ công tác.
Thượng úy Phùng Viết Hiếu, Đội CSGT 6 thông tin điển hình như tối 1/7, tổ công tác xử lý tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc – Xuân Thuỷ (Cầu Giấy) đã ghi nhận trường hợp một người đàn ông khi yêu cầu đo nồng độ cồn đã lấy lý do đau bụng bỏ lại phương tiện tự đi về nhà. Cũng trong ca trực này, tổ công tác ghi nhận một trường hợp vi phạm ở mức 0,702 miligam/lít khí thở gần gấp đôi mức vi phạm cao nhất.
Cán bộ Đội CSGT số 5 đo nồng độ cồn ông T |
Ông Nguyễn Trường T (sinh năm 1961 ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi bị tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 5 đo nồng độ cồn vào trưa 2/7 tại đê Gia Thượng, quận Long Biên đã vi phạm mức 0,126mg/l khí thở. Sau khi bị lập biên bản vi phạm, ông T liên tục giải thích rằng mình có uống một chút rượu từ sáng để ăn cơm cho trôi. "Tôi cũng cẩn thận ngủ 1 giấc trước khi đi làm rồi nhưng không hiểu sao vẫn bị dính phạt nồng độ cồn", ông T thanh minh.
Cán bộ Đội CSGT số 15 hướng dẫn ông H ký vào biên bản vi phạm |
Còn với vi phạm 0,761 miligam/lít khí thở, bị phát hiện vào trưa 30/6 tại Km 24+500 trên Quốc lộ 3 qua thị trấn Sóc Sơn, ông Ngô Văn H (sinh năm 1967, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị phạt tiền 7 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe 23 tháng. Tại chốt kiểm tra, ông Ngô Văn H trình bày, bản thân làm thợ xây, do chủ hoàn thành nhà nên đã tổ chức liên hoan cho mọi người. Trong cuộc vui này, ông H đã uống vài cốc bia…
Những ví dụ điển hình trên đã nói lên khó khăn mà CSGT Hà Nội xử lý nồng độ cồn trong bối cảnh toàn xã hội phòng chống dịch hiện nay.
Hình thành ý thức không rượu bia khi lái xe
Cục CSGT (Bộ Công an) thống kê, thực hiện kế hoạch xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, trong tháng 6/2021, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 10.060 trường hợp vi phạm, qua đó phạt tiền gần 50 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe đối với 6.394 trường hợp. Góp phần vào thành tích chung này, trong 6 tháng qua, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã xử lý 5.272 vi phạm về nồng độ cồn, phạt thành tiền hơn 20 tỷ đồng. Từ 15/3 đến nay, thực hiện kế hoạch của Cục CSGT, Phòng CSGT đã phát hiện, xử lý 2 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý, phạt thành tiền 70 triệu đồng
Nữ CSGT Đội CSGT số 5 đo nồng độ cồn người dân di chuyển trên địa bàn huyện Đan Phượng |
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ va chạm giao thông và tai nạn giao thông mà CSGT phát hiện, xử lý có liên quan đến nồng độ cồn và chất kích thích, người điều khiển phương tiện thường có biểu hiện không tỉnh táo. Có những vụ tai nạn giao thông mà người gây ra tai nạn say rượu đến mức không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn. Một số đối tượng còn quá khích, chống đối thậm chí tấn công, gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ… Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi này là hết sức cần thiết.
Là người bị CSGT tiến hành đo nồng độ cồn trong khí thở ngẫu nhiên vào trưa 2/7, anh Chu Tiến H (sinh năm 1976, lái xe của Xí nghiệp Xe buýt Yên Viên) cho biết, việc đo nồng độ cồn đối với bất kỳ lái xe nào một cách ngẫu nhiên là hoàn toàn cần thiết. Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, tự gây tai nạn và gây tai nạn với các phương tiện khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề, cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông.
Cán bộ Đội CSGT số 11 tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trong tình hình mới |
Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết thêm, giải pháp để kiềm chế và góp phần loại bỏ tác hại của rượu bia, thức uống có cồn trong lĩnh vực giao thông vận tải là yêu cầu các chủ doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết lái xe an toàn là không sử dụng rượu bia. Công việc tuyên truyền này cũng cần thiết như kiểm tra an toàn phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với lái xe của doanh nghiệp mình quản lý.
Ỏ góc độ quản lý địa bàn, bà Nguyễn Thi Lan, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, có nhiều đầu mối giao thông quan trọng dẫn vào TP, do đó công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đó tuyên truyền về tác hại của rượu bia luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa và an ninh quốc phòng của quận Hoàng Mai nói chung và phường Định Công nói riêng. Việc xây dựng văn hóa giao thông trong đó nhấn mạnh tác hại của sử dụng rươụ bia đã được cụ thể hóa trong các chương trình công tác của phường.
Cán bộ Đội CSGT số 8 đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông |
Để hạn chế tác hại của bia rượu, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT cho biết, đang trong thời điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19, quá trình kiểm tra đo nồng độ cồn, CSGT đảm bảo các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ cũng như người vi phạm theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. CSGT Hà Nội xác định, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến rượu bia, nồng độ cồn vào các khung giờ, các tuyến đường, loại phương tiện chính là góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.
Trong thời gian tới, CSGT TP Hà Nội sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, tết. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì kiên quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt.