Tết Hà Nội - chất riêng khó lẫn
Sinh viên hối hả về quê đón Tết Ca sĩ Diệu Hà ra mắt MV “Quê hương ơi” đậm vị Tết xưa Gala “Tết đến thật rồi” quy tụ nhiều quán quân âm nhạc Việt |
Xưa “ăn Tết", nay “chơi Tết"
Không phải tự nhiên hình ảnh “Ngày ba mươi Tết thịt treo đầy nhà” lại in đậm trong ký ức của biết bao người Hà Nội xưa. Bởi nó gợi nhớ về một thời gian khó, thiếu thốn đủ điều nhưng cũng toát lên những hi vọng, ước của ông cha ta về một cuộc sống no đủ, sung túc.
Đồng thời, hình ảnh cũng thể hiện rõ được bản sắc của Tết Việt ngày xưa, thời điểm nhu cầu “ăn ngon, mặc ấm” được đặt lên hàng đầu, mọi hoạt động bắt đầu một năm mới đều bắt đầu từ chữ “ăn", “ăn Tết", “ăn chơi", “ăn mặc"...
Những món ăn truyền thống trong mâm cơm Tết của người Hà Nội |
Cả năm làm lụng vất vả, thắt lưng buộc bụng, tích góp từng hào chỉ để dành đến ngày Tết, dịp để gia đình sum vầy, hưởng thụ những ngày nghỉ phép duy nhất trong năm.
Ngày nay, chất lượng cuộc sống đi lên, kinh tế phát triển, công nghệ khiến mọi thứ trở lên dễ dàng, tiện nghi, người dân chẳng còn quá bận tâm tới cái ăn nữa.
Không cần đến ngày Tết, cũng có bánh chưng, canh măng… để thưởng thức, những mong muốn về nhu cầu ăn uống luôn được đáp ứng ngay lập tức, chỉ cần dạo một vòng trên các ứng dụng đồ ăn, ẳt một lúc sau sẽ có người giao tới.
Một bước đổi mới thể hiện cú chuyển dịch văn hoá, kinh tế của một đất nước, người ta chọn cái “chơi" lên trước cái “ăn".
Điểm giao thoa hương vị truyền thống
Tuy nhiên, trong quan niệm dân gian, vạn sự khởi đầu từ chữ “ăn", điều này đã đi sâu vào nếp sống văn hoá của người Hà Thành.
Bởi vậy, cho dù cuộc sống hiện đại đã thay đổi nhiều thứ, thì trong bữa ăn ngày Tết của người Hà Nội vẫn không thể thiếu những món ăn truyền thống, được chuẩn bị công phu, nhưng cũng không thiếu những hoạt động gia đình ý nghĩa, gắn kết.
Nem rán được ví là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam, là không thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của “người Hà Nội", được duy trì qua bao thế hệ.
Nguyên liệu của món nem rán Hà thành đơn giản: Thịt lợn sau khi rửa sạch băm nhỏ; miến rong, nấm hương, mộc nhĩ ngâm nước ấm cho mềm, sơ chế rồi thái nhỏ; tùy vào mùa nào thức nấy có thể cho thêm su hào hoặc cà rốt thái hạt lựu vào nhân nem để tạo sự cân bằng và tránh cảm giác ngán; hành khô đập dập và băm nhỏ.
Tất cả nguyên liệu sau khi sơ chế, trộn đều với nhau cùng trứng gà để tăng độ kết dính, nêm nếm gia vị phù hợp với khẩu vị gia đình, để 5 - 10 phút cho ngấm gia vị.
Mất nhiều công sức nhất của món ăn này, chính là công đoạn gói nem, phải gói cẩn thận sao cho chiếc bánh đa nem không bị rách, thành phẩm tròn xinh vì vỏ bánh đa rất giòn, làm ẩm vừa phải để vỏ mềm khi cuốn sẽ dễ dàng hơn. Sau đó, dàn trải nhân nem đều trên bánh đa, gấp gọn 2 mép, rồi gói tròn từng chiếc.
Sắc hồng của những cành đào là thứ không thể thiếu trong ngôi nhà của người Hà Nội |
Cuối cùng, đun sôi chảo dầu rồi cho từng cho chiếc nem vào rán ngập dầu, lật nhẹ các mặt để nem, khi nem chuyển sang màu vàng hơi ngả nâu một xíu, là lúc đã chín. Vỏ nem rán giòn rụm, nhân trong mềm ẩm, béo ngậy ăn hòa quyện cùng vị chua ngọt của nước chấm, kích thích mọi khứu giác từ miếng đầu tiên.
Bên cạnh nem rán, canh bóng, cũng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa cỗ Tết của mỗi gia đình người Hà Nội, đánh dấu sự kế thừa bền vững qua nhiều thế hệ.
Ngay từ đầu năm, khi mua thịt lợn, các bà, các cô thường lóc miếng bì và sau đó sử dụng thanh tre căng như căng da trống để đem gác lên bếp. Da lợn sau khi hong khô sẽ được bỏ vào lò nướng, nở như miếng xốp.
Trước khi nấu canh, miếng bóng phải được ngâm, rửa kỹ bằng nước gừng. Miếng bóng khi nấu canh mang đến hương vị ngọt ngào, vì nó hút hết vị ngọt từ tôm và thịt nạc.
Khi ăn, miếng bóng có vị giòn, và người ta có thể cảm nhận rõ mùi thơm của nấm, cùng với hương vị mát mẻ của su hào và cà rốt được cắt tỉa tỉ mỉ.
Mong muốn giữ gìn trọn vẹn hương vị truyền thống vào mỗi dịp Tết đến xuân về, mâm cơm dâng lên bàn thờ gia tiên của chị Hoàng Thị Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn xuất hiện những món ăn phong tục của người Việt.
“Tết nào, nhà tôi cũng tụ họp nấu những món ăn truyền thống: Canh măng, nem rán, canh bóng... để cúng ông bà, tổ tiên. Và tất nhiên là không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa muối cho Tết thêm trọn vẹn.
Cứ mỗi dịp Tết về là các thành viên trong gia đình, người góp gạo, người góp thịt, người góp đỗ để cùng quây quần gói bánh chưng, tặng người thân bạn bè”, chị Hương chia sẻ.
Cuộc sống hiện đại, không phải nhất thiết phải chờ đến ngày Tết mới được ăn bánh chưng, nhưng được ngồi trông nồi bánh chín cùng gia đình chính là cảm giác khiến chị Hương hạnh phúc nhất.
Chị tiếp tục kể: “Xung quanh bếp lửa hồng cháy rực, cả nhà trông bánh chưng từ chập tối đến nửa đêm thì thầm to nhỏ tâm sự đủ chuyện, đói quá thì ném khoai vào nướng.
Mùi củi, mùi khoai nướng, mùi bánh chưng luộc hoà quyện vào nhau, đặc trưng mà chỉ có tết mới có, làm tôi năm nào cũng háo hức tết về. Cả năm đi làm, Tết chính là thời gian tôi được cách ly với công việc để thoải mái ăn những món ăn truyền thống, chơi với mọi người”.
Cũng giống như chị Hương luôn trân trọng những khoảnh khắc được bên gia đình chị, bà Nguyệt Thu (phường Hoàng Mai, Hà Nội) bộc bạch: “Bữa cơm ngày Tết, được nhìn thấy thấy con cháu quây quần, ăn hết những món ăn truyền thống tôi nấu, cười nói vui vẻ, tôi lại thấy mãn nguyện; rồi cùng nhau đi chùa, xin quẻ đầu năm, thăm họ hàng gần xa tiện đi chơi cùng gia đình luôn. Những lúc đó, cả một miền ký ức về Tết xưa bỗng ùa về…”.
Dù mộc mạc, đơn sơ là thế nhưng Tết của người Hà Nội trước sau vẫn luôn thân thương, ấm cúng vô cùng. Những giá trị của Tết xưa vẫn là những hồi ức đẹp đẽ đọng lại trong tâm trí của mỗi người.
Vẫn là bánh chưng xanh, hoa đào, hoa mai và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, ấy vậy, thời gian đã thay đổi Tết xưa thành những phiên bản khác nhau để phù hợp hơn với thời đại. Nhưng tựu chung lại giá trị của Tết cổ truyền mang lại vẫn vẹn nguyên, vẫn là tết đoàn viên sum vầy, sung túc, ấm no.
Vì vậy, những món ăn truyền thống, phong tục tập quán mang đậm nét đẹp người Hà Nội, chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa “ăn" và “chơi" đang được nhiều gia đình cố gắng, phát huy gìn giữ, và chuyển giao qua nhiều thế hệ.