Thành công với mô hình trồng lúa, canh tác rươi
Một góc cánh đồng mẫu lớn của Công ty Ngọc Diệp |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình ở Hải Phòng có cha là giáo viên, ngay từ nhỏ, bố mẹ đã định hướng cho Vũ Văn Lượng thi vào ngành Sư phạm. Năm 1987, anh Lượng tốt nghiệp, được phân công giảng dạy tại trường Tiểu học xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Tuy nhiên, niềm đam mê sản xuất nông nghiệp từ nhỏ vẫn nguyên vẹn trong anh.
Vì thế, sau 3 năm công tác, anh xin nghỉ việc tại trường, bươn chải với nghiệp nhà nông. Khi đó, nhiều người xung quanh không tin vào quyết định này của anh Lượng. Họ tỏ ra nghi ngại vì “nhìn bóng bẩy lại có “máu” văn nghệ sĩ thì làm nông nghiệp sao được!”.
Tuy nhiên, vốn có kiến thức lại ham tìm hiểu về các kỹ thuật trồng lúa, canh tác rươi, anh Lượng chăm bón cây lúa hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ không giống ai.
Anh sử dụng một số dòng phân hữu cơ công nghệ cao như phân bó vi lượng Bo Nola SP xử lý làm mục rơm rạ, lá cây, bèo tây, xác động vật… để bón lót trong quá trình làm đất. Ngoài ra, anh còn dùng một số dòng phân của Mỹ như: Earthqi Hydro bón lót khi làm đất, phân Earthqi Hydro NPK-Organic bón khi đòng. Vì vậy, đất không những được cải tạo tốt hơn cho việc trồng lúa nếp, mà phần dư thừa còn có thể làm nguồn thức ăn cho con cáy, tạo ra môi trường tốt cho loài rươi phát triển.
Những vạt lúa nếp ngút đầu người |
Đúng lúc ngành thủy sản Hải Phòng quy hoạch lại khu vực nuôi trồng, anh trúng thầu một phần diện tích mà người dân trước đó đã sản xuất lúa nhưng năng suất không cao. Cùng với một phần diện tích đất thuê của địa phương, đến nay, anh đã đầu tư được một khu vực chuyên canh lúa nếp, nuôi dươi lên tới 7ha cạnh khu vực cửa sông Văn Úc.
Ngay sau khi trúng thầu, anh Lượng bán nhà để lấy tiền sắm máy hút bùn, cải tạo đất thành đầm nuôi thủy sản. Phần đất phía trên anh tận dụng trồng cây, nuôi gà và bò… Trên cùng diện tích, anh cho triển khai đồng thời một lúc nhiều loại hình chăn nuôi, trồng trọt để tăng nguồn thu. Đó là mô hình trồng lúa, nuôi cáy và tạo môi trường cho loài rươi sinh trưởng.
Để việc thu hoạch được dễ dàng, anh Lượng bắt tay mày mò tự chế máy cải tạo nền đất ruộng. Bằng chiếc máy tự chế, anh tiết kiệm được khá nhiều chi phí và công lao động. Vì chiếc máy tự động cắt, hút đất ra khu vực trũng cần cải tạo, không cần phải thuê nhân công nên hiệu quả cải thiện rõ rệt. Muốn sản xuất tốt phải có mặt bằng tốt, cây lúa phải đảm bảo nguồn nước, phân bón và giống tốt, anh Lượng đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để sản xuất.
Anh Vũ Văn Lượng rất vui khi mỗi vụ thu hoạch hàng trăm bao thóc |
Trong quá trình phát triển nuôi trồng, anh còn tự mày mò nghiên cứu quy trình ngâm ủ, tự sản xuất phân vi sinh để bón cho cây. Đây là đề tài được anh Lượng rất tâm huyết vì nó rất thiết thực, không chỉ phục vụ cho khu vực đồng ruộng của anh và Nhân dân quanh vùng mà còn góp phần trong việc thu gom rác thải, các loại gia xúc chết trôi ở khu vực cửa sông Văn Úc để làm phân vi sinh, cải tạo môi trường. Do đó, anh đã cùng một số nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về lĩnh vực này để giúp ích cho nhà nông.
Cứ vào dịp tháng 11 - 12 năm trước ngả ruộng, trồng lúa, sau mùa vụ thì anh lại thu hoạch cáy và tạo môi trường cho loài rươi ngay trên diện tích đất này. Anh Vũ Văn Lượng khẳng định: “Canh tác rươi không khó do đặc thù là động vật phù du, sống trong lòng đất. Ở điều kiện và vị trí phù hợp, môi trường tơi xốp và sạch thì rươi sẽ phát triển tốt”.
Nhờ giữ gìn và tạo được môi trường sạch, nên anh Lượng thu được khoảng 30 tấn lúa nếp/năm và khoảng 5 tấn rươi/vụ. Đỉnh điểm, năm 2020, doanh nghiệp của anh Vũ Văn Lượng thu hoạch tới 7 tấn rươi, đạt gần 2 tỷ đồng.