Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế số
Nền tảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán hàng online PushSale được quỹ Next100 của shark Bình rót vốn 10 tỷ đồng
Bài liên quan
Grab phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Thủ tướng chỉ thị tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Cơ hội trang bị kỹ năng gọi vốn dành cho bạn trẻ
Chủ nhân cuốn "Không thể gục ngã" thêm một lần khởi nghiệp
Chuyển mình bắt nhịp nền kinh tế số
Kinh tế số đang dần dần trở thành con đường chủ đạo của phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi số vào phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi ích và đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hiện mới ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi số. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp Việt không tự chuyển mình, thay đổi cách làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh và thích ứng kịp, sẽ đi chệch xu hướng mới, bị tụt hậu và đánh mất lợi thế cạnh tranh cả ở sân nhà và sân chơi toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, nhất là các lĩnh vực: Tiếp thị, truyền thông, giáo dục, tài chính và tự động hóa chu trình làm việc. Theo đánh giá, Việt Nam đang có sự bứt phá nhanh trong lĩnh vực chuyển đổi số này.
Các chuyên gia nhận định, xu hướng người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng lên ngôi dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo sức ép đối với doanh nghiệp, tổ chức trong việc đổi mới cách thức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ.
Nhiều start-up tham gia vào công cuộc chuyển đổi số và có được những kết quả tích cực bước đầu về xây dựng năng lực, dịch vụ và sản phẩm số, thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền với tăng cường năng lực công nghệ mới chuyên sâu và không ngừng sáng tạo.
Với kinh nghiệm hơn 6 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực marketing thuê ngoài, founder của PushSale.vn Đỗ Xuân Thắng nhận thấy các doanh nghiệp bán hàng online tại Việt Nam đang đầu tư rất nhiều cho quảng cáo trực tuyến nhưng lại thiếu sự liên kết thông suốt giữa các bộ phận từ marketing cho đến bán hàng, kho vận, kế toán, giao hàng và chăm sóc khách hàng ...dẫn đến sự thiếu thông suốt, lãng phí tài nguyên và cơ hội kinh doanh.
Tháng 3/2019, Thắng và các cộng sự đã bắt tay xây dựng PushSale.vn nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp bán hàng Online. Chỉ sau 9 tháng xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động, PushSale.vn đã ra mắt thị trường và giúp nhiều doanh nghiệp tăng gấp 5 lần doanh thu nhờ quản trị tổng thể được hoạt động kinh doanh của mình.
Cụ thể, PushSale giúp quản trị chuyên sâu từng khâu của hoạt động bán hàng online, từ chạy quảng cáo ra số điện thoại, đến telesale chốt đơn, giao hàng qua các hãng vận chuyển...trong đó tập trung sâu vào các ngành hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, phong thuỷ.
Shark Nguyễn Hòa Bình thông qua Quỹ đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Next100.vn đầu tư 10 tỷ đồng vào Pushsale.vn, startup chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp bán hàng online.
Anh Đỗ Xuân Thắng, Founder & CEO PushSale.vn chia sẻ: “Với sự đầu tư chiến lược của Next100 và Shark Bình, PushSale hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng tiên phong trong phong trào chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán hàng Online. Kế hoạch trước mắt trong năm 2020 của chúng tôi là chuyển đổi số thành công cho ít nhất 1000 doanh nghiệp Việt và ít nhất 2 thị trường khác tại Đông Nam Á".
Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp về quản lý tài nguyên số
Theo chuyên gia công nghệ, để phát triển nền kinh tế số, cần dựa vào 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là hạ tầng số làm nền tảng cho các dịch vụ số hoạt động. Thứ hai là tài nguyên số, dữ liệu số để vận hành các dịch vụ số. Thứ ba là chính sách chuyển đổi số, đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế số.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay việc quản lý tài nguyên số vẫn còn nhiều bất cập, thiếu hành lang pháp lý để phát triển. Điều này dẫn đến một thực trạng là các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai... chưa được thực hiện hoàn thiện. Dữ liệu các dịch vụ công trực tuyến hiện vẫn chưa liên thông ở các sở ngành, địa phương nên chưa phát huy được tính thống nhất và chia sẻ thông tin, vì vậy người dân, doanh nghiệp khi làm dịch vụ công phải khai báo thông tin nhiều lần cho mỗi dịch vụ.
Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp về quản lý tài nguyên số để thúc đẩy việc kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa cơ quan nhà nước, đồng thời tiến tới cung cấp dữ liệu mở cho xã hội. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết: "Đây là thời điểm rất chín muồi trong việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và kinh tế số. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo ra những điều kiện đột phá để thay đổi tình trạng trước đây chúng ta đang vướng. CMCN 4.0 với nhiều công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, blogchain, thực tế ảo… đã đem lại cơ hội rất lớn phát triển nền kinh tế mới gọi là nền kinh tế số với việc đưa ra nhiều mô hình mới khác biệt hoàn toàn so với mô hình trước đây. Dữ liệu là tài nguyên mới được xem như là nền tảng tạo ra sự thay đổi. Dữ liệu như là tài nguyên dầu mỏ trước đây để chúng ta khai thác, sử dụng để tạo ra những giá trị mới, khác biệt so với trước đây chúng ta không có".
"Trước đây, chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rất nhiều với những giai đoạn khác nhau. Chúng ta dùng CNTT để phục vụ, thay thế văn bản giấy truyền thống. CNTT như là công nghệ mới trong tác nghiệp, sau đó dần dần áp dụng CNTT vào các bài toán quản lý. Khi áp dụng các bài toán quản lý sẽ tạo ra nhiều dữ liệu, khi có dữ liệu thì các cơ quan cần trao đổi dữ liệu với nhau. Khi trao đổi dữ liệu với nhau, các dữ liệu đó cần có hình thức kết nối, chia sẻ và được quản lý phù hợp. Vì dữ liệu mang thông tin, giá trị nên nếu chúng ta khai thác, sử dụng dữ liệu đó không hiệu quả và không có phương pháp quản lý bảo đảm an toàn thì gây ra nhiều vấn đề. Chính vì vậy, chúng ta cần hạ tầng pháp lý để quản lý, khai thác dữ liệu, tài nguyên mới này hiệu quả", ông Thắng nhấn mạnh.
Để tháo gỡ rào cản thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Dự thảo nêu rõ, dữ liệu số hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.
Nghị định này khi được ban hành sẽ giải quyết được một số vấn đề và xây dựng, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở cho xã hội, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo các sản phẩm, nền tảng ứng dụng trong thực tế.