Thầy trò trường Bách khoa thiết kế áo làm mát, giường carton tặng tuyến đầu chống dịch
Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức trường hè về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo |
Nhiều trường đại học hỗ trợ học phí cho sinh viên vùng lũ |
Ý tưởng thiết kế những chiếc áo làm mát của nhóm sinh viên K62, Viện Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm các bạn: Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thuỳ Linh.
Nguyễn Thị Hương Hảo, Trưởng nhóm thiết kế chia sẻ: "Qua theo dõi báo đài, mình được biết các bác sĩ, y sĩ tuyến đầu chống dịch đang phải chống chọi với cái nóng gay gắt của mùa hè trong những bộ đồ bảo hộ kín bưng. Vì vậy, mình cùng các bạn nghiên cứu ra bộ đồ chống nóng này. Giá nguyên liệu nhóm làm thử nghiệm một chiếc áo hiện tại khoảng 400.000 đồng".
Thiết kế áo làm mát của các bạn sinh viên |
Chiếc áo làm mát có thể giúp hạ nhiệt độ bên trong áo bảo hộ xuống còn 26-27 độ C dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Phạm Đình Giỏi, thành viên nhóm cho hay, điều đầu tiên nhóm cân nhắc là áo làm mát không ảnh hưởng chức năng phòng, chống dịch của bộ đồ bảo hộ. Ngoài ra, sản phẩm cần nhỏ gọn, thuận tiện cho hoạt động của người mặc. Nhóm cũng ưu tiên tốc độ nghiên cứu do tình hình dịch căng thẳng và miền Bắc đang vào hè nóng nực.
Sau hai tuần nghiên cứu, nhóm đã chế tạo thành công một chiếc áo làm mát bằng nước đá. Áo có 3 lớp vải, bảo ôn và lớp ống nước làm mát. Người sử dụng mặc áo, đeo một balo đựng bình nước đá và bật máy bơm để bơm nước đá chạy dọc theo đường ống làm mát cơ thể. Máy bơm nhỏ chạy bằng nguồn pin dự phòng. Có 4 tốc độ bơm tùy thuộc vào nhu cầu làm mát khác nhau của người dùng.
Áo có thể giúp hạ nhiệt độ bên trong áo bảo hộ xuống còn 26-27 độ C dưới nắng nóng |
Áo làm mát của nhóm thuộc kiểu áo ba lỗ, phần trong gồm các lớp vải, giữa các lớp là đường ống để làm mát và bảo ôn. Người dùng mặc áo bên trong lớp đồ bảo hộ. Đường ống dẫn nước được luồn qua chỗ trước cằm, cắm vào ba lô đựng nước đá đeo sau lưng. Áo có trọng lượng khoảng 1kg khi ba lô chứa nửa lít nước lạnh. Nước tuần hoàn, không thất thoát nên chỉ cần lượng vừa đủ để bơm hoạt động.
Thời gian làm mát kéo dài khoảng 4 tiếng tuy nhiên việc bỏ thêm đá lạnh 2 tiếng/lần giúp đạt hiệu quả chống nóng tốt nhất. Người dùng có thể điều chỉnh nhiệt độ thông qua lưu lượng bơm. Sản phẩm sử dụng pin dự phòng điện thoại nên có thể hoạt động cả ngày.
Theo nhóm thiết kế, áo có ưu điểm làm mát nhanh nhưng không gây sốc nhiệt. Kết quả thử nghiệm cho thấy người mặc không chảy mồ hôi nhiều, hạn chế mất nước, mất muối.
PGS.TS Lã Thị Ngọc Anh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Ngay khi nhận được ý tưởng này từ sinh viên, chúng tôi thấy đây thực sự là ý tưởng sáng tạo và hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng tôi đã hỗ trợ các em mọi điều kiện để có thể thực hiện ý tưởng này. Chiếc áo này hiện vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh sửa để có thể đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất".
Những chiếc giường carton phục vụ phòng, chống dịch |
Bên cạnh ý tưởng sáng tạo áo làm mát của các bạn sinh viên, nhóm của PGS.TS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Quỹ từ thiện Mỗi ngày một quả trứng đã nghiên cứu thành công giường carton giúp người dân ở khu cách ly, các y, bác sĩ, tình nguyện viên tham gia chống dịch có nơi nghỉ tốt hơn.
Theo PGS.TS Phan Trung Nghĩa, vi rút SARS-CoV-2 bám trên các vật liệu như sắt, nhựa... với thời gian gấp đôi thời gian bám trên giấy. Vì thế, giường làm bằng carton có thể an toàn hơn các vật liệu khác, vẫn có thể phun khử khuẩn, lau chùi nhanh mà giá thành rẻ, nhẹ, bảo đảm an toàn, phù hợp với khí hậu và văn hóa Việt Nam. Giường gọn nhẹ, dễ vận chuyển, chỉ mất 5 phút lắp ráp, chịu sức nặng tới 180 kg, có tấm quây tạo sự riêng tư và hạn chế lây nhiễm, dễ dàng tiêu hủy là những ưu điểm của sản phẩm này, có thể tiêu hủy dễ dàng hoặc tái chế sau một thời gian sử dụng.
Hiện, hàng trăm chiếc giường carton đã được chuyển đến các tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch “1.000 chiếc giường carton chống dịch” do Quỹ từ thiện Mỗi ngày một quả trứng và Đại Bách khoa Hà Nội phối hợp thực hiện.