“Thi sĩ ham vui” Trần Nhương “treo tranh cho Hà Nội thêm tươi”
Hà Nội treo cờ Tổ quốc dịp bầu cử |
Nhà thơ Trần Nhương |
Trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Nhương bộc bạch: “Tôi đăng kí triển lãm từ năm 2019, Nhà triển lãm xếp lịch vào tháng 4 năm 2020.
Vợ tôi bảo “Hâm à, vừa triển lãm năm 2018 mà, 2 năm đã máu thế”? Nghe lời vợ, tôi xin lùi, nhà tiếp tục xếp cho vào tháng 5/2021. Nghĩ là ổn, tôi mê mải vẽ và chuẩn bị tài chính lo khung, lo lệ phí… cho cuộc trưng bày lần này.
Nhà thơ Trần Nhương |
Nào ngờ dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều bạn bảo sao không hoãn đi, triển lãm bây giờ phí công. Thưa rằng không thể hoãn được nữa, lịch xếp hàng dài mấy ki lo mét. Chỉ có thể bỏ cuộc chơi nhưng sát nút mới bỏ cuộc thì làm khó cho Nhà triển lãm, làm sao họ gọi họa sĩ nào lấp chỗ trống cho kịp.
Tôi không muốn làm khó cho Nhà triển lãm, nơi tôi đã gắn bó qua 3 lần trưng bày cá nhân trước rồi. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, quyết định chơi tới bến. Có thể không tưng bừng như những lần trước nhưng giữa lúc dịch Covid-19 mà tranh của mình vẫn bày giữa Hà Nội thì ghê chứ. AQ một chút cho thêm năng lượng.
Tác phẩm của Trần Nhương trưng bày trong triển lãm "Thi hứng IV" |
Không thể hoãn và không bỏ cuộc
Thì treo tranh cho Hà Nội thêm tươi”.
Trần Nhương đã vào tuổi 80. Ông là nhà thơ Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Ông qua 28 năm mặc áo lính khi đang là ông giáo làng Vẽ. Ông còn là chủ một trang web văn chương nghệ thuật trannhuong.com được nhiều bạn đọc yêu mến.
Ông triển lãm đầu tiên năm 1998 (Thi hứng I), năm 2003 (Thi hứng II), năm 2018 (Thi hứng III) và năm nay với Thi hứng IV. Ngoài ra ông còn triển lãm chung với các nhà văn Đoàn Lê, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn (2005), triển lãm cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục năm 2008… Tranh ông cũng đã có mặt vài bộ sưu tập và bảo tàng.
Nhà thơ Trần Nhương |
Có thể nói với hội họa ông là tay ngang, không học hành trường quy, ông chỉ có lòng đam mê. Tranh ông vẽ theo ý thích của ông không nắn nót như khi viết văn, ông vẽ tranh nude, tranh trừu tượng, tranh phong cảnh. Nhiều họa sĩ đánh giá tranh trừu tượng của ông cảm xúc như thơ ca. Dù vậy, nhà thơ Trần Nhương vẫn là “thi sĩ đầu tiên ở phía Bắc có triển lãm cá nhân”.
Được biết, sau 2 triển lãm cá nhân (năm 1998 và 2003), số tiền mà Trần Nhương thu được từ việc bán tranh của mình lên đến gần nửa tỉ đồng. Ông gọi vẽ là “vợ hai”, và bao nhiêu năm qua, “vợ hai” đã nuôi “vợ cả” là thơ, nuôi cả trang web trannhuong.com cho thi sĩ yên tâm với nghiệp cầm bút.
Một người tay ngang mà triển lãm tranh cá nhân 4 lần thì quả là lòng đam mê làm ông vượt lên tất cả. Cả 4 lần triển lãm đều mang tên “Thi hứng”, có lẽ ông khiêm nhường coi những bức tranh của mình là ngẫu hứng của thi ca. Trần Nhương cho biết hồi mới vẽ, ông cũng nhận được nhiều ý kiến này khác nhưng ông quan tâm một cách vừa phải.
“Tôi cho là cái thư giãn hay nhất của anh nhà văn nhà thơ là vẽ. Vẽ có cái thú là được thư giãn, thả lỏng hoàn toàn. Lúc ấy anh được tự do, muốn làm gì cũng được. Vẽ không đau đớn, không dằn vặt như văn chương”, Trần Nhương dí dỏm nói.
Điều dễ nhận thấy, ở “Trần ham vui” toát lên sự trẻ trung, niềm lạc quan, yêu đời phơi phới. Dù tất bật tự tay thiết kế giấy mời, tờ gấp giới thiệu triển lãm… nhưng ông vẫn luôn “tự trào” rất vui. Như vần thơ ông viết: “Ngổn ngang tranh pháo đầy nhà/ Hình như có một lão già hâm hơi/ Tuổi đầy vui chẳng thèm vơi/ Lòng như bỏ ngỏ đợi người tri âm”.
Sự hài hước, dí dỏm của Trần Nhương còn thể hiện trong cả lời giới thiệu về triển lãm cá nhân lần thứ IV của mình: “Tôi là một nhà thơ rất đam mê hội họa. Tôi nghĩ hội họa đã cho mình những cảm xúc khác với văn chương, nó làm cho mình lạc vào một miền du ca mà ở đó có thể cất lên những giai điệu bất chợt của lòng mình, ở đó có thể tung tẩy hết mình mà không mấy khi phải nắn nót.
Tôi không được học hành trường quy về hội họa, đam mê mà vẽ, học những họa sĩ thành danh qua mỗi lần xem tranh, giao lưu. Qua những bức tranh tôi muốn gửi gắm một chút ý tưởng, một chút thi hứng. Người xem có thể đồng điệu, có thể không nhưng đó là tác phẩm của tôi, tôi sáng tạo ra nó. Xin các bạn xem tranh và thể tất cho một người vẽ tranh không chuyên và sự vụng dại của một ông lão bát thập ham vui”.
Chính vì thế, cái sự dí dỏm ấy cũng toát lên từ những tác phẩm hội họa của “ông lão thập bát ham vui”. Những bức tranh lần này chủ yếu được ông vẽ ra khi ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19. Cảm hứng chủ yếu những nét vẽ là chống lại sự tù túng, chống lại Covid bằng sáng tạo nghệ thuật. Có tranh vẽ về đề tài Covid-19 biến thể. Nhiều để tài có cả môi trường nhất là biển.
"Thi hứng IV" trưng bày 50 bức và 40 chân dung kí họa đi cùng năm tháng. Có chân dung Trần Nhương vẽ đã hơn 30 năm, nay mới mang ra trưng bày. Có thể thấy, thi ca và hội họa đã song hành với Trần Nhương rất lâu rồi.
“Thi sĩ vẽ” Trần Nhương hóm hỉnh tuyên bố: “Tôi nghĩ những người “tay ngang” bước vào hội họa là những người “điếc không sợ súng”. Nhưng nhờ vậy mà họ có sự tươi mới, hồn nhiên, góp phần làm phong phú cho đời sống hội họa. Bây giờ, nếu có thêm phòng tranh của các ngành khác– như tranh của những người làm ngân hàng chẳng hạn – cũng sẽ khiến cho những sinh hoạt văn hóa thêm sinh động”.
Vì lẽ đó, công chúng Thủ đô có dịp đến thưởng lãm tranh của ông tại “Thi hứng IV” lần này chắc chắn sẽ cảm nhận được niềm lạc quan, phấn chấn ấy từ các tác phẩm của ông. Đó cũng là một trong những “liều thuốc tinh thần” mà sứ mệnh của thi ca, nghệ thuật truyền tới công chúng trong giai đoạn này để mỗi người có thêm động lực vững tâm chống lại dịch bệnh, mong chờ ngày bình thường mới lại đến.
Hai nhà nhiếp ảnh Pháp kể về Việt Nam hiện đại qua những bức ảnh hộp |
Triển lãm ảnh "Mekong-Chuyện đôi bờ" tại Trung tâm Văn hóa Pháp |
Triển lãm ảnh "Khoảnh khắc bí mật của Maiko" của Philippe Marinig |