Thoát nghèo bền vững nhờ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Từ chuyển đổi phương thức canh tác, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) không ngừng nâng lên, từng bước giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Hơn 5 năm trước, gia đình anh Ha Soan là một trong những hộ nghèo khó khăn nhất của thôn Tơ MRang (Đa Quyn). Gia đình anh có 8 khẩu, mọi sinh hoạt chi tiêu chỉ trông chờ vào 5 sào cà phê già cỗi hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập thấp, vì vậy đói nghèo cứ đeo bám mãi.
Thấy cuộc sống khó khăn, Ha Soan cũng muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để kinh tế gia đình ổn định hơn nhưng chưa biết phải lựa chọn loại cây trồng nào. Đầu năm 2016, khi Công ty Trường Hoàng vào ký kết hợp đồng với người dân để trồng chanh dây, anh đã mạnh dạn phá 2 sào cà phê để liên kết trồng chanh dây với công ty.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, các hộ dân tại xã Đa Quyn (Lâm Đồng) đã thoát nghèo bền vững |
Trong chương trình liên hết, hỗ trợ, công ty đã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và một phần phân bón, nếu chăm sóc kỹ trái đạt chất lượng thì công ty sẽ thu mua hết. Chỉ mới trồng hơn một năm mà hiệu quả kinh tế đã thấy rõ. Lứa đầu tiên anh thu được 3 tấn quả, với giá bán loại một 15.000 đồng, loại 2 bán 10.000 đồng và loại 3 với giá bán 6.000 đồng… Nhờ chanh dây cho hiệu quả kinh tế cao, anh tích lũy được ít vốn, rồi vay mượn thêm chăn nuôi bò lai sind.
Đến nay, 2 sào chanh dây, 3 sào cà phê cùng với đàn bò và lợn của gia đình đã mang về tổng thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh Ha Soan đã thoát được nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Anh Soan đang dự định phá 3 sào cà phê còn lại, đồng thời mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng chanh dây, tăng thu nhập cho gia đình.
Không chỉ gia đình anh Ha Soan thoát nghèo thành công nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, gia đình ông Ya Bênh (ở thôn Chơ Rung) cũng thoát nghèo nhờ sự đầu tư của nhà nước.
Ông Ya Bênh cho biết: “Là hộ nghèo nhất của thôn, thế nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ lúa một vụ sang trồng ớt sừng và cà tím, bên cạnh đó được sự đầu tư của nhà nước cho hệ thống tưới tự động đã giúp năng suất cây trồng vượt trội.
Thu nhập bình quân một năm qua tương đối cao, khoảng 80 triệu đồng/3 sào, nên gia đình ông Ya Bênh trở thành một trong các hộ thoát nghèo bền vững của xã.
Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân
Đa Quyn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng được thành lập năm 2009. Toàn xã có hơn 1.000 hộ với 4.285 khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83%. Từ một xã có xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn, nhưng đến cuối năm 2018, Đa Quyn được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới và là xã cuối cùng của huyện Đức Trọng về đích Nông thôn mới.
Nếu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Đa Quyn chỉ đạt 7 triệu đồng/năm, thì đến nay đã nâng lên 40 triệu đồng; Đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa 100%, giao thông nội đồng cũng được cứng hóa 70%; Hộ nghèo từ 48% vào năm 2011, hiện chỉ còn dưới 6%.
Ông Ya Thương, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho biết, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy địa phương xem việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là hết sức quan trọng.
Trước đây, việc đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi còn chậm nên năng suất, chất lượng chưa cao, không tạo ra được các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong khi đó tiềm năng đất đai còn nhiều nhưng lại chưa thể khai thác hiệu quả.
Do đó, những năm gần đây, khi làn sóng các công ty, hợp tác xã tìm nguồn đất để sản xuất nông nghiệp, Đa Quyn trở thành vùng đất màu mỡ được các đơn vị lựa chọn. Nhờ vậy, đã từng bước xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu của người dân. Hiện nay, bà con đã rất mạnh dạn chuyển đổi nhưng vẫn chưa nhiều bởi họ còn thiếu vốn sản xuất.
Cuộc sống của người dân ở Đa Quyn sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nhờ vào mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi |
Theo ông Ya Thương, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn, để phát huy những kết quả đạt được, thúc đẩy kinh tế, xã hội của Đa Quyn, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát triển đúng hướng và bền vững mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đa Quyn sẽ nỗ lực và chung tay thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tiếp tục phát triển thêm hệ thống hạ tầng cơ sở ở nông thôn để thúc đẩy phát triển sản xuất.
“Đặc biệt, chúng tôi có tiềm năng, lợi thế đó là đất đai đang còn rộng, rất phù hợp cho trồng rau - hoa cho nên chúng tôi sẽ tập trung nâng cao diện tích lên. Bên cạnh đó, mở rộng việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm một cách bền vững”, ông Ya Thương nhấn mạnh.
Với những kết quả đã đạt được cùng với sự đồng lòng chung sức trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, tin rằng cuộc sống của người dân ở Đa Quyn sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung của Đức Trọng - huyện Nông thôn mới thứ 2 của Lâm Đồng.
Lâm Đồng tăng cường hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những chương trình trọng tâm được Lâm Đồng thực hiện trong thời gian qua. Qua đó đã tạo sinh kế cho nhiều người dân để họ có điểu kiện vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thực hiện gần 3,3 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ và 150 triệu đồng vốn đối ứng của người dân. Bằng nguồn vốn này, các hộ nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng mở rộng trồng trọt và chăn nuôi. Tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2023, Lâm Đồng phấn đấu có hơn 1.300 hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo và người khuyết tật được hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, với dự toán tổng kinh phí khoảng 4,7 tỷ đồng, trong đó gồm 4,5 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 200 triệu đồng các hộ nghèo đối đối ứng sẽ hỗ trợ bà con tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay chỉ còn 2,87%. |