Thủ đô Hà Nội cần nhiều cơ chế, chính sách riêng
Tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội chung tay xây dựng nông thôn mới Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô Thủ đô Hà Nội ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi |
Cần có cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức cán bộ chủ chốt
PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh; Kể cả người không nằm trong quy hoạch, nhưng xét thấy có tài năng thì được cho lên đảm nhận trọng trách lãnh đạo đơn vị chứ không cần phải đợi quy trình; Đợi đến lượt mới lên thì rất lâu.
PGS. TS Bùi Thị An gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học đã gần 60 năm (Ảnh: VGP) |
Tương tự, về cơ chế cho thôi chức cán bộ, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân… mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành.
Ngoài ra, bà An cũng cho rằng, các điều luật tuy toàn diện nhưng thiếu ràng buộc về mặt quan hệ khăng khít với nhau giữa các lĩnh vực, như sự mâu thuẫn giữa dân số cơ học và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, giao thông, môi trường…) nhưng chưa có cơ chế đặc thù, nên chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc hiện nay.
Chẳng hạn về giáo dục Thủ đô, PGS. TS Bùi Thị An kiến nghị nên có có một cơ chế, chính sách vượt trội hơn như chính sách hỗ trợ để tất cả các em trong mọi hoàn cảnh đều có thể tiếp cận giáo dục như hiến định, tạo nhiều cơ sở vật chất để các em không may mắn đều được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Luật Thủ đô (sửa đổi) là luật riêng có của Hà Nội và đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; Tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ chương II đến chương V. |
Cần dành quỹ đất xây nhà ở xã hội “ưu đãi” cán bộ trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Đây là một trong những vấn đề rất được người dân sinh sống, làm việc ở Hà Nội quan tâm.
Cụ thể là việc Hà Nội không được phép xây thêm chung cư cao tầng ở các quận lõi của nội thành; Giành một quỹ để xây nhà ở xã hội cho thuê, bán, trả góp với những người làm công ăn lương, đặc biệt là cán bộ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Theo TS Nguyễn Thành Luân, Phó trưởng Khoa Luật và Lý luận chính trị, trường Đại học Thủy lợi, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trong giai đoạn lấy ý kiến người dân.
Qua nghiên cứu thực tiễn và xem xét những điểm bất cập, vướng mắc tại Luật Thủ đô năm 2012, TS Luân góp ý nhiều điểm, trong đó có liên quan đến việc tạo sự đồng bộ giữa Luật Thủ đô và các luật liên quan.
Ví như, cần khắc phục sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Điều đó là một trong những nguyên do dẫn đến chưa khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội |
Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm.
Nhiều nơi dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp, chiếm phần lớn...
Do đó, để đất đai thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai.
Ngoài ra, để cho Luật Thủ đô có hiệu lực, hiệu quả, có “tuổi thọ” dài ngay cả khi các luật khác ban hành sau, nên soạn thảo theo hình thức “bám theo” các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ví dụ, mức phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng cao hơn gấp hai lần so với quy định hiện hành thì khi nghị định, thông tư thay đổi sẽ bám theo mà không cần thay đổi Luật Thủ đô, tránh thủ tục phiền hà.