Thu hút FDI của Việt Nam: Kinh nghiệm cho các nước trong khu vực
Mỗi cuộc khủng hoảng đi qua đều có một bài học được rút ra và chắc chắn đại dịch Covid-19 - cuộc khủng hoảng chưa từng xảy ra, cũng không ngoại lệ.
Xét trên góc độ kinh tế, có một điểm nổi bật là những quốc gia có nền tảng kinh tế mạnh nhất thì sẽ có cơ hội tốt hơn để thoát khỏi khủng hoảng một cách nhanh nhất và ít thiệt hại nhất.
Tại ASEAN, rất ít quốc gia có thể mạnh mẽ tuyên bố có nền kinh tế vững chắc như Singapore. Tuy nhiên, có một quốc gia đã âm thầm tiết kiệm nguồn lực và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đó là Việt Nam.
Đây là nhận định trong một bài viết được đăng tải trên tờ South China Moring Post vừa qua. Bài viết đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình trở thành trung tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và là bài học cho các quốc gia khác trong khu vực tham khảo.
Tác giả bài viết là bà Shireen Muhiudeen, quản lý quỹ cấp vùng của Corston-Smith Asset với 30 năm kinh nghiệm. Bà cũng là một trong 25 phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về quản lý tài sản và là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực của Forbes Châu Á năm 2014.
Trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức 10,4% trong giai đoạn từ năm 2013 - 2019 (riêng 2019 đạt 16,12 tỷ USD) đưa tổng tăng trưởng đạt mức 81%, Việt Nam trở thành trung tâm thu hút FDI của khu vực.
Việc thu hút FDI chưa bao giờ là việc đơn giản, do đó sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực ASEAN sẽ còn tiếp tục (Ảnh: VNA) |
So sánh với các quốc gia khác trong cùng giai đoạn như Đảo quốc sư tử đạt mức tăng FDI là 63%, trong khi đó Thái Lan và Malaysia đều sụt giảm, trong khối ASEAN chỉ có duy nhất Philippines ghi nhận mức tăng FDI cao hơn Việt Nam, đạt 104%.
Lý giải cho sự vươn mình mạnh mẽ này là do Việt Nam chủ động thực hiện các chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp và các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động trẻ dồi dào, nhiều tiềm năng cũng là một lợi thế giúp nguồn vốn nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam. Trong đó phải kể đến Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư mới nổi ở lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.
Bà Muhiudeen đánh giá: “FDI là nguồn vốn đầu tư nước ngoài quan trọng cho các nước đang phát triển và đóng góp đáng kể vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Có thể thấy rõ thành tựu kinh tế của Singapore và sự tăng trưởng của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua một phần nhờ FDI”.
Bên cạnh đó, môi trường chính trị ổn định cũng là sức hấp dẫn không nhỏ. Trong những năm gần đây, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều trải qua những biến động và bất ổn chính trị. Điều này khiến nhà đầu tư cảm thấy an tâm khi chứng kiến sự ổn định tại Việt Nam.
Mặt khác, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến tỷ lệ lạm phát, mong muốn tỷ giá hối đoái ổn định và không thích nạn quan liêu, điều mà chính phủ Việt Nam cam kết hạn chế bằng cách thực hiện thuế điện tử và các dịch vụ công điện tử. Trên thực tế, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển từ tập trung vào sản xuất thâm dụng lao động sang các quy trình tự động hóa hơn và hiện đang bước vào giai đoạn tiếp theo. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dự thảo chiến lược FDI trong 10 năm tới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó dự kiến sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Cuối cùng, bà Barrett nhận định các nước láng giềng có thể không đánh giá cao chính sách thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, rõ ràng họ cần thay đổi tư duy nếu muốn có được sự thành công tương tự.
“Nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận. Những biện pháp mạnh mẽ như thiết lập sự minh bạch trong quy trình kinh doanh quản trị và buộc các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực không cạnh tranh, đòi hỏi một ý chí và cam kết chính trị thực sự”, bà Barrett nói.