Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đạt 100% tiêu chí chính quyền số vào năm 2025
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm gian hàng chuyển đổi số (Ảnh Đoàn Minh) |
Sáng ngày 18/8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển KT-XH".
Sự kiện thu hút hơn 50 diễn giả, hơn 100 lượt doanh nghiệp SMEs tham gia tập huấn chuyển đổi số, hơn 1.000 lượt đại biểu tham dự hội nghị và khoảng 3.000 lượt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Phương Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Lần đầu tiên đưa ra vấn đề văn hoá di sản và chuyển đổi số để nâng tầm các giá trị văn hoá di sản. Thông qua tuần lễ chuyển đổi số 2022, Thừa Thiên - Huế kỳ vọng sẽ có những tham vấn nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số giai đọan mới đối với tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung, đồng thời mong muốn giới thiệu hình ảnh, điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư CNTT trên địa bàn".
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết lần đầu tiên tỉnh đưa ra vấn đề văn hoá di sản và chuyển đổi số để nâng tầm các giá trị văn hóa di sản (Ảnh: Đoàn Minh) |
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là hành trình dài, trong hành trình này công nghệ thay đổi liên tục, do đó các sở, ban, ngành phải cùng nhau khám phá, chia sẻ giải quyết những khó khăn, vướng mắc và quan trọng nhất là tinh thần của thời đại số”.
Nhiều năm qua, Thừa Thiên - Huế được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính. Với định hướng chuyển đổi số, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu năm 2025 đạt 100% tiêu chí chính quyền số, hơn 90% dịch vụ công đạt cấp độ 4, kinh tế số chiếm 15-20% GRDP, 100% cơ quan triển khai Cloud và hơn 300 doanh nghiệp công nghệ số.
Từ trái qua ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT và ông Phan Ngọc Thọ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan gian hàng (Ảnh: Đoàn Minh) |
Theo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế kết quả sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019-2020, 70% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S với 800 nghìn lượt tải, 101,3% tổng số dân… Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 4 toàn quốc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 1 toàn quốc; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 8.
Ra mắt nền tảng, giải pháp công nghệ số 5G-MobiFone, giải pháp số quốc gia xây dựng chính quyền số (ảnh Đoàn Minh) |
Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên - Huế còn nhiều khó khăn và thách thức như: Nhận thức chưa đồng bộ các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp; Kỹ năng số là vấn đề thách thức lớn trong xã hội.
Nguồn thông tin dịch vụ tạo ra nhiều sự rối rắm, rủi ro cao cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận; dữ liệu chưa trở thành tài nguyên quan trọng, chưa được khai thác liên thông hiệu quả; Các nền tảng số quốc gia cần thêm thời gian để thẩm thấm vào doanh nghiệp vào người dân.
Được biết, Tuần lễ Chuyển đổi số Thừa Thiên - Huế 2022 kỳ vọng sẽ có được những tham vấn, xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới của Thừa Thiên - Huế nói riêng và các địa phương nói chung, nhằm tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế số - xã hội số.