Thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
Hội nghị có sự tham gia của 18 quận, huyện với 52 chủ thể có sản phẩm OCOP và 75 chủ thể có sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Cùng với đó là đông đảo các đơn vị phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết với khoảng 10 triệu dân sinh sống, học tập, làm việc, thành phố cần nguồn lương thực, thực phẩm rất lớn. Mặc dù vậy, khả năng cung ứng của Hà Nội hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng từ 35 - 60% nhu cầu của người dân Thủ đô.
Một lượng lớn thực phẩm hiện vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhập khẩu. Ví như, so với tổng nhu cầu, Hà Nội cần bổ sung 39,4% gạo từ bên ngoài thành phố; Thịt lợn cần cung cấp thêm 1,4%; Thịt trâu, bò cần cung cấp từ bên ngoài thành phố là 80,4%; Trong khi rau, củ, quả cần cung cấp là 42%...
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn |
Chia sẻ về ý nghĩa của việc tổ chức Diễn đàn trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết:“Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và Nông sản, thực phẩm an toàn” được tổ chức nhằm hỗ trợ các huyện, thị xã kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch. Đồng thời, phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội.”
Tại diễn đàn, đại diện 10 chủ thể đã giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, chủ lực, thiết yếu đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ của các quận, huyện, thị xã. Qua đó, các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm mong muốn sẽ kết nối với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân Thủ đô. Điều này nhằm khắc phục đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Tham dự Diễn đàn trực tuyến, đại diện UBND huyện Gia Lâm đã lên tiếng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ 210 tấn nông sản của bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 2.248ha sản xuất rau, củ, quả. Bình quân hàng năm, huyện đưa ra thị trường 69.000 tấn rau, củ và 65.000 tấn quả.
Một số sản phẩm của địa phương đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và có thương hiệu trên thị trường như: Ổi Đông Dư, Cam Báo đáp, chuối Kim Sơn… Đặc biệt, sản phẩm rau tại hai xã Văn Đức và Đặng Xá đã xuất khẩu được sang thị trường khó tính như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...
Diễn đàn trực tuyến được tổ chức nhằm hỗ trợ các huyện, thị xã kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn |
Mặc dù vậy, sản lượng rau, củ, quả được kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, trường học vẫn chiếm tỷ lệ thấp, mới đạt 20 - 30%; còn lại 70 - 80%% là tiêu thụ tự do thông qua thương lái bán buôn tại chợ đầu mối, chợ dân sinh trong và ngoài thành phố.
Đại diện UBND huyện Gia Lâm cho biết, trong thời gian vừa qua, địa phương đã phát động các phòng ban ngành đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, sản lượng nông sản trên địa bàn huyện còn tương đối lớn. “Tại Diễn đàn hôm nay, tôi xin phép giới thiệu 4 sản phẩm nông nghiệp bị ùn ứ của huyện đang cần hỗ trợ tiêu thụ ngay trong thời gian giãn cách xã hội...”, bà Nga cho biết.
Cụ thể, sản lượng cần tiêu thụ gồm: 100 tấn nhãn tập trung tại thị trấn Trâu Quỳ và xã Yên Thường; 50 tấn củ cải của xã Lệ Chi; 10 tấn rau gia vị (mùi tầu), chủ yếu tại xã Đông Dư, và 50 tấn chuối tây của nông đân các xã Kim Sơn, Phú Thị. Tổng khối lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ là 210 tấn.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết: Diễn đàn là cầu nối để người sản xuất, người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây là hoạt động rất hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Đánh giá cao thành công của sự kiện, thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương kỳ vọng thành phố Hà Nội và các địa phương sẽ tiếp tục duy trì các diễn đàn. Đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, nông sản thực phẩm bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử… Không những thúc đẩy phát triển sản xuất mà còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.