Thúc đẩy thanh toán điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ công
Nhân viên ngân hàng Vietcombank hướng dẫn người dân thanh toán điện tử đối với dịch vụ công |
Vietinbank phối hợp cùng các tỉnh, thành phố triển khai dịch vụ công, hỗ trợ người dân, tổ chức có thể thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công ngay trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thành phố hoặc thông qua các kênh giao dịch của ngân hàng. Mới đây, phát huy thế mạnh hệ thống CoreBanking, Vietinbank liên tục đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ kênh Ebank, đưa kênh này trở thành một trong những dịch vụ nổi bật.
Trên thực tế, thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng đã không ngừng thúc đẩy và mở rộng thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Văn bản số 2198/NHNN-TT về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý để khuyến khích và tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí...; Triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ.
Được biết, nhiều ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan; cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiền điện, tiền khám chữa bệnh.… Đặc biệt, về phía ngân hàng thương mại, để đáp ứng thanh toán các dịch vụ công, trong thời gian qua đã tích cực phối hợp với các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh triển khai với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao nhất.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tập trung nguồn lực đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng xu hướng thanh toán mới, mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng và nhu cầu thanh toán trong các lĩnh vực công: Dịch vụ thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, truyền hình, internet, viện phí, học phí; thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến…
Với chủ trương đẩy mạnh các dịch vụ công phục vụ cho công dân và doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công Quốc gia, đầu tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ đã giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên cổng dịch vụ công Quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia lên 725.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cho tất cả các dịch vụ công mức độ 4, nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho cơ quan bảo hiểm xã hội trên cổng dịch vụ công Quốc gia.
Dịch vụ này cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho mình hoặc người thân, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình trên cổng dịch vụ công Quốc gia bắt đầu từ ngày 2/7. Ngay sau khi công dân hoàn thành giao dịch đóng bảo hiểm y tế tự nguyện hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trên cổng dịch vụ công Quốc gia, Vietcombank gửi các thông tin sang cơ quan bảo hiểm để được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo thời gian gia hạn mà người dân đã lựa chọn.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank luôn đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan, các đối tác trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân.
Sau 7 tháng đưa vào vận hành, cùng với dấu mốc 725 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên cổng dịch vụ công Quốc gia, Vietcombank tự hào luôn là ngân hàng tiên phong cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ trên cổng dịch vụ công Quốc gia theo đúng lộ trình triển khai của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra Vietcombank sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thanh toán dịch vụ công. Trong đó, cho phép khách hàng sử dụng Mobile banking, QR code, thanh toán không tiếp xúc... nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương qua cổng dịch vụ công Quốc gia.
Chị Nguyễn Thị Mai (trú tại Long Biên, Hà Nội) luôn sử dụng ứng dụng ngân hàng số của Vietcombank để thanh toán hóa đơn điện, nước, mạng internet, truyền hình, điện thoại… hàng tháng. Chị Mai cho hay: “Tôi thấy sử dụng thanh toán điện tử rất tiện lợi. Giải pháp này vừa tiết kiệm thời gian cho mỗi người dân vừa giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng quá tải tại các cơ quan Nhà nước. Tôi nghĩ, việc tập trung đẩy mạnh thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công giúp mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí xã hội, là bước tiến trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử”.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |