Thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm để Long An phát triển bứt phá, bền vững
Ảnh minh họa |
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đã đoàn kết, quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, quy mô kinh tế xếp thứ 1/13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 12/63 địa phương cả nước; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,46%; Sản xuất công nghiệp tăng 9,32%; Thu nhập bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người/năm
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An đứng thứ 10/63 địa phương; Thu hút trên 1.200 doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư trên 10 tỷ USD (đứng thứ 5/63 địa phương).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, GRDP tăng 3,43%; Sản xuất công nghiệp tăng 3,38%; Nông nghiệp tăng trưởng cao và phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả. Long An là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh những thành tựu mà tỉnh đã đạt được, Long An vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn; Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, giải quyết nhà ở công nhân còn chậm. Một số công trình, dự án triển khai còn chậm tiến độ; Chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nâng tầm vị thế Long An
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Long An thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Long An dựa trên các trụ cột: Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm.
Công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng là đột phá.
Dịch vụ-logistics hiện đại là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; Đẩy mạnh thương mại điện tử.
Tỉnh thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị của tỉnh cần đồng bộ, hiện đại.
Tỉnh triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Chủ động, tích cực tham gia hoạt động liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối hiệu quả với trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, kết nối với ASEAN qua khai thác tốt lợi thế đầu mối kết nối với Campuchia. Long An cần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả; Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được chủ trì cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, tỉnh thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); Trong đó chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa trên địa bàn và thị trường quốc tế; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; Kiểm tra đôn đốc, nắm tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc của các mỏ đất, mỏ đá làm nguyên liệu thi công các tuyến đường.
Long An cần triển khai quyết liệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phương thức hợp tác công tư; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.
Khởi công đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành, tỉnh Bình Phước - Đức Hòa, tỉnh Long An trong quý IV năm 2023
Đối với kiến nghị của tỉnh về thành lập Khu kinh tế Long An ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An lập hồ sơ thành lập khu kinh tế theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước - Đức Hòa, tỉnh Long An), Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan theo đúng quy định để khởi công đoạn tuyến này trong quý IV năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ N2 (đoạn Đức Hòa, tỉnh Long An - Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đề xuất phương án đầu tư phù hợp theo đúng quy định, theo tinh thần Trung ương và địa phương cùng làm, tỉnh Long An nỗ lực tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn lực triển khai, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2023.
Ảnh minh họa |
Về hỗ trợ vốn đầu tư dự án Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây, thành phố Tân An và dự án Kè chống sạt lở thị xã Kiến Tường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Long An để hỗ trợ đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy trình, quy định trước ngày 25/8/2023.