Thụy Sĩ chạy đoàn tàu 100 toa dài 2km vượt dãy Alps
Cung đường đạp xe 1.300km đầy hứng khởi Nhiều sông băng tại các di sản thế giới sẽ “biến mất” Nông dân Mỹ vật lộn với khủng hoảng giá cả |
Được hình thành từ 25 đoàn tàu điện, chuyến tàu kỷ lục này đã mất gần một giờ để đi khoảng 25km trên tuyến đường sắt Albula. Đây là tuyến đường sắt nối Preda đến Alvaneu ở miền Đông Thụy Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới ngoạn mục.
Ngành đường sắt Thụy Sĩ lập kỷ lục chạy đoàn tàu dài nhất thế giới vượt dãy núi Apls |
Albula Line nổi tiếng với những khúc cua ngoằn ngoèo và dốc đứng - một kiệt tác kỹ thuật đường sắt nổi tiếng thế giới dài 62km giữa Sois và St Moritz. Mặc dù chạy qua những dãy núi hiểm trở nhưng các công nhân chỉ mất 5 năm để xây dựng với 55 cây cầu và 39 đường hầm. Trước khi hoàn thành vào tháng 7/1904, du khách đã phải đối mặt với hành trình 14 giờ đầy rủi ro trên cung đường mòn gồ ghề bằng xe ngựa hoặc xe trượt tuyết.
Trung tâm của tuyến là đường hầm Albula dài 5.866m, chạy sâu dưới đầu nguồn hai con sông Rhine và Danube. Trong vòng chưa đầy 25km, đoàn tàu chạy từ độ cao 1.788m trên mực nước biển ở Preda xuống 999,3m ở Alvaneu.
Nỗ lực lập kỷ lục được tổ chức bởi Rhaetische Bahn (RhB), được hỗ trợ bởi nhà xây dựng xe lửa Thụy Sĩ Stadler. Không giống hầu hết các tuyến đường sắt của Châu Âu sử dụng khổ tiêu chuẩn 1,435m, các đường ray RhB chỉ cách nhau 1m.
Nắm giữ kỷ lục tàu chở khách dài nhất thế giới trước đây là Bỉ và trước đó là Hà Lan đã sử dụng đường sắt khổ tiêu chuẩn trên địa hình bằng phẳng.
Công tác chuẩn bị được bắt đầu nhiều tháng trước, bao gồm cả việc chạy thử nghiệm để đảm bảo chuyến tàu có thể vận hành an toàn. Quá trình chạy thử ban đầu đã kết thúc thất bại. Trước khi đoàn tàu di chuyển, người ta phát hiện hệ thống phanh khẩn cấp không thể kích hoạt và 7 người lái tàu không thể liên lạc với nhau qua radio hoặc điện thoại di động trong đường hầm.
Sau đó, họ đã sử dụng hệ thống điện thoại hiện trường tạm thời do tổ chức Bảo vệ Dân sự Thụy Sĩ thiết lập để duy trì liên lạc khi chạy tàu qua đường hầm và thung lũng sâu. Phần mềm được sửa đổi đặc biệt và hệ thống liên lạc nội bộ giữa 7 người lái đã cho phép 25 đoàn tàu hoạt động hài hòa.
Trên quãng đường dài, tốc độ được kiểm soát bằng phanh tái tạo, tương tự như ô tô điện, cung cấp dòng điện trở lại đường dây 11.000V. Tuy nhiên, với đoàn tàu dài 2km này, người ta lo ngại chúng có thể cấp quá nhiều dòng điện trở lại hệ thống, gây quá tải cho tàu và lưới điện địa phương. Để tránh sự cố xảy ra, tốc độ tối đa của tàu được giới hạn ở 35km/h và phần mềm đã được sửa đổi để hạn chế nguồn điện được cấp trở lại hệ thống.
Vào ngày chạy tàu, RhB đã tổ chức lễ hội đường sắt tại Bergün và 3.000 người có vé may mắn đã được chứng kiến nỗ lực kỷ lục qua truyền hình trực tiếp, đồng thời thưởng thức văn hóa ẩm thực địa phương. Các dịch vụ thông thường qua đường hầm Albula đến St Moritz và xa hơn đã bị tạm ngừng trong 12 giờ.
Ba liên kết vệ tinh, 19 camera trong máy bay không người lái và máy bay trực thăng, trên tàu và dọc theo đường ray đã quay phim toàn bộ hành trình, cung cấp một bản ghi độc đáo về sự kiện có một không hai. Chỉ riêng điều này đã là một thách thức lớn ở vùng núi, thung lũng sâu, phủ sóng di động hạn chế.
Đối với một quốc gia nhỏ với địa hình chủ yếu là đồi núi, thoạt nhìn có vẻ không thích hợp với đường sắt nhưng Thụy Sĩ có kỹ thuật phát triển vượt xa sức tưởng tượng trong lĩnh vực này. Năm 2021, ngành đường sắt Liên bang Thụy Sĩ (SBB) vận hành 11.260 chuyến tàu chở 880.000 hành khách và 185.000 tấn hàng hóa mỗi ngày trên mạng lưới dài 3.265km với 804 nhà ga.
Thụy Sĩ cũng là quốc gia có người dân sử dụng đường sắt nhiều nhất thế giới. Mỗi người dân quốc gia này đi trung bình 2.450km/năm bằng tàu hỏa.
Năm 2019, ngành đường sắt Thụy Sĩ đã thực hiện 19,7 tỷ ki-lô-mét tàu khách. Năm 2021, con số này giảm xuống còn 12,5 tỷ ki-lô-mét do đại dịch COVID-19. Kỷ niệm 175 năm kể từ khi tuyến đường sắt đầu tiên được mở giữa Zürich và Baden, lượng hành khách đang phục hồi trở lại mức trước đại dịch.
Nằm ở trung tâm của Tây Âu, giữa các cường quốc công nghiệp Đức, Pháp và Ý, Thụy Sĩ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong nền kinh tế Châu Âu rộng lớn. Trong nhiều thế kỷ, dãy núi Alps là rào cản khắc nghiệt đối với du khách và thương mại của Châu Âu. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, hàng tỷ Franc Thụy Sĩ đã được đầu tư để xây dựng đường hầm Gotthard và Căn cứ Loetschberg kéo dài, sâu dưới dãy Alps.
Nhiều người thường nói Thụy Sĩ có dân số ít và diện tích nhỏ nếu so sánh với các quốc gia như Anh và Đức nên không thể tạo ra mạng lưới giao thông công cộng tích hợp tương tự ở các quốc gia lớn.
Vượt qua mọi định kiến, Thụy Sĩ đã xây dựng mô hình giao thông lý tưởng phù hợp với địa lý, văn hóa và mật độ dân số của họ. Thành tích đáng kinh ngạc của RhB khi chạy đoàn tàu 100 toa dài gần 2km vào cuối tháng 10/2022 là minh chứng ấn tượng về năng lực đẳng cấp thế giới của Thụy Sĩ trong lĩnh vực công nghệ đường sắt.