Tin tức trong ngày 14/10: Khắc phục xong sự cố đường ống truyền dẫn nước sạch sông Đà
Khắc phục xong sự cố đường ống truyền dẫn nước sạch sông Đà
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) - đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch sông Đà cho biết, vào hồi 6h30 ngày 13/10, trên lý trình tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà - Hà Nội đã xảy ra sự cố rò rỉ đường ống tại vị trí M14+200.
Đơn vị cho biết tạm ngừng cấp nước để khắc phục sự cố. Đây là lần thứ sáu trong năm 2020, tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà gặp sự cố.
Về thời gian tạm ngừng cấp nước, đối với khu vực dân cư trước Trạm bơm Tây Mỗ (km7 + 800), ngừng cấp từ 7h và dự kiến cấp lại khoảng 15h cùng ngày.
Đối với khách hàng có điểm lấy nước trên tuyến ống từ Trạm điều tiết Tây Mỗ đến đường vành đai 3 Hà Nội, Viwasupco sẽ giảm áp lực trên tuyến ống truyền tải và ngừng cấp nước toàn bộ từ 10h ngày 13/10 và cấp nước trở lại vào lúc 18h cùng ngày.
Đại diện đơn vị tiếp nhận nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho khu vực Tây Nam Hà Nội, ông Cao Hải Tháp - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Viwaco cho biết: Ngay sau khi nhận được thông báo từ Viwasupco, công ty gửi thông báo tới UBND các phường, xã, các chung cư, khách hàng để có kế hoạch sử dụng nước phù hợp.
Thực hiện dứt điểm di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm
Tại Thông báo 461/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông báo kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND thành phố về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố và tại khu chung cư cũ Giảng Võ, tập thể lãnh đạo UBND thành phố đánh giá: Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tích cực chỉ đạo.
Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.
UBND thành phố giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách.
Hà Nội yêu cầu thực hiện dứt điểm di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm |
Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, tập thể lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp các hồ sơ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch một số khu chung cư cũ do một số doanh nghiệp đề xuất đã hoàn thành để tham khảo và tổng hợp cùng với Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ hoàn thiện (sau khi có ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng), báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn thành phố giao (trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ), giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.
Việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ sẽ được xem xét sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, các Quy hoạch phân khu đô thị khu vực nội đô được cấp thẩm quyền phê duyệt và theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với các nhà chung cư cũ đã được kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D, lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Xây dựng, UBND các quận liên quan, khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm cư, di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại; Báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu đề xuất UBND thành phố...
Sẵn sàng lên phương án ứng phó dịch Covid-19 trong mùa đông - xuân
Tính đến hôm nay, nước ta đã có 40 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc phòng, chống dịch Covid-19 trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2021. Điều đó có nghĩa là tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải tiếp tục đương đầu với cuộc chiến đấu với Covid-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các địa phương phải tăng cường kiểm soát các chuyên gia nhập cảnh, người hồi hương, người nhập cảnh...
Việc quản lý người nhập cảnh, cách ly, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể, yêu cầu địa phương bám sát, thực hiện nghiêm. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản đối phó với tình huống xấu trong mùa đông - xuân sắp tới, trình kế hoạch ứng phó với dịch lên Bộ Y tế trong tháng 10/2020.
Để ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao các cơ sở y tế đủ năng lực đều phải xét nghiệm Covid-19. Nếu cơ sở y tế không đủ năng lực thì phải lấy mẫu xét nghiệm, gửi cho cơ sở đủ năng lực. Cùng với đó, các cơ sở y tế, đặc biệt cơ sở khám, chữa bệnh phải tập huấn cho cán bộ, mở rộng diện xét nghiệm hơn.
Bên cạnh đó, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, các địa phương phải thành lập ngay các tổ phòng, chống Covid-19 dựa vào cộng đồng. Mặt khác, tổ chức tập huấn cho những người tham gia để khi dịch xảy ra thì tổ này sẽ vào cuộc ngay, không luống cuống.