Tin tức trong ngày 27/3: Hà Nội hoàn thành việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho hơn 4.000 đối tượng
Hà Nội hoàn thành việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho hơn 4.000 đối tượng
Theo tin từ Sở Y tế, tính đến 17h ngày 27/3, Hà Nội đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh vi rút SARS-CoV-2 cho 4.020 đối tượng nguy cơ cao tại 12 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ và Mê Linh. Kết quả, 100% số mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Các trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc này đều là công nhân khu công nghiệp, nhân viên nhà hàng, nhân viên làm việc tại bến xe, người dân ở chung cư...
Tính đến 17h ngày 27/3, Hà Nội đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh vi rút SARS-CoV-2 cho 4.020 đối tượng nguy cơ cao tại 12 quận, huyện |
Hiện Hà Nội đã qua 40 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng. Cộng dồn đợt 4 (từ ngày 27/1 cho đến nay), Hà Nội ghi nhận 37 ca mắc, không có ca tử vong, trong đó 35 ca tại cộng đồng và 2 ca nhập cảnh. Sở Y tế Hà Nội đang tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện.
Riêng về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca trong đợt 1, từ ngày 9/3 đến hết ngày 27/3, Hà Nội đã tiêm vắc xin cho 7.419 người, trong đó ghi nhận 2.557 người gặp phản ứng sau tiêm. Hiện tại, sức khỏe các trường hợp này đều ổn định. Thành phố sẽ tiến hành tiêm vét cho các đối tượng còn lại trong tuần tới.
Trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 37 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức
Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động ngày 26/3.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã có 37 trạm cấp cứu vệ tinh, trong đó, Thành phố Thủ Đức đã có 7 trạm cấp cứu vệ tinh phục vụ công tác cấp cứu ngoài bệnh viện cho người dân trên địa bàn.
Bảy trạm cấp cứu vệ tinh bao gồm: Trạm Cấp cứu đặt tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Trạm Cấp cứu đặt tại Phòng khám đa khoa Linh Trung, Trạm Cấp cứu đặt tại Phòng khám đa khoa Linh Xuân, Trạm Cấp cứu đặt tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (BV quận 2 cũ), Trạm Cấp cứu đặt tại Bệnh viện Lê Văn Việt (BV quận 9 cũ), Trạm Cấp cứu đặt tại Bệnh viện Ung Bướu Cơ sở 2, Trạm Cấp cứu đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.
91 dự án đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh
Đội tuyển học sinh thành phố Hà Nội tham dự cuộc thi năm nay có 4 dự án, thì cả 4 dự án đều được trao giải |
Chiều 27/3, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra lễ bế mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021. Cuộc thi năm nay thu hút 141 dự án của học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước tham dự.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 91 dự án tiêu biểu, có tính ứng dụng cao, trong đó có 12 dự án đoạt giải Nhất, 19 dự án đoạt giải Nhì, 26 dự án đoạt giải Ba và 34 dự án đoạt giải Tư. Ngoài ra, còn có 30 dự án được trao giải triển vọng.
Các tác giả của 12 dự án đoạt giải Nhất của cuộc thi đã được tham gia vòng thi phỏng vấn bằng tiếng Anh để chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp quốc tế.
Đáng chú ý, đội tuyển học sinh thành phố Hà Nội tham dự cuộc thi năm nay có 4 dự án, thì cả 4 dự án đều được trao giải, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba.
Dự án đoạt giải Nhất của học sinh Hà Nội mang tên “Vi tảo biển - nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu” của nhóm tác giả Lê Ngọc Minh Thư (lớp 12D4, Trường Trung học phổ thông Việt Đức) và Ngô Anh Minh (lớp 10A1, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An).
Dự án đoạt giải Nhì là dự án “Giải pháp quản lý tình trạng dinh dưỡng và khuyến nghị khẩu phần ăn cho lứa tuổi học sinh từ 6-14 tuổi bằng phần mềm Caremeal” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam gồm: Đỗ Gia Khánh, lớp 11 tin và Ngô Gia Bảo, lớp 11 toán.
Hai dự án đoạt giải Ba là: “Hoạt động trải nghiệm giá trị lịch sử, văn hóa Hà Nội góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh qua dự án “Hà Nội em yêu” của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) là Trần Phương Linh, lớp 8A1 và Phạm Đình Huy, lớp 9A1; dự án "Rô bốt giám sát, cảnh báo, xử lý chất lượng không khí trong phạm vi gia đình" của em Nguyễn Minh Quân (học sinh lớp 11A1, Trường Trung học phổ thông Cổ Loa).
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 diễn ra từ ngày 25 đến 27/3 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là năm thứ chín Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi này trên phạm vi toàn quốc.